NATO bác khả năng Mỹ đưa tên lửa hành trình trở lại châu Âu sau khi INF sụp đổ

ANTD.VN - Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg vừa đổ lỗi việc Nga vi phạm Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là nguyên nhân Washington muốn rút khỏi thỏa thuận này, tuy nhiên cho rằng, mối đe dọa từ Nga khó có thể dẫn đến việc Mỹ triển khai tên lửa trở lại châu Âu.

Các nước NATO chuẩn bị nhóm họp vào ngày 25-10 để nghe Washington giải thích lí do đằng sau việc Tổng thống Trump rút khỏi hiệp ước INF, thỏa thuận vốn đã loại bỏ hoàn toàn tên lửa hành trình phóng từ mặt đất khỏi châu Âu.

Nhiều quốc gia châu Âu coi INF là một trụ cột kiểm soát vũ trang quan trọng và quan ngại việc hiệp ước trên sụp đổ có thể khiến thế hệ tên lửa hành trình mới của Mỹ được triển khai đến châu lục này.

NATO loại bỏ khả năng tên lửa hành trình tầm trung quay trở lại châu Âu

Trong bình luận đầu tiên về quyết định của Mỹ, Tổng Thư kí NATO Stoltenberg đã cáo buộc Nga vi phạm INF trước bằng việc triển khai tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất Novator 9M729. Ông khẳng định sẽ đánh giá các hành động cần thiết của NATO nhưng không cho rằng, mối đe dọa từ Nga sẽ dẫn đến việc tái triển khai các loại tên lửa hành trình đến châu Âu.

Khi INF đi vào hiệu lực vào năm 1987, Mỹ đã rút hết tên lửa hành trình Pershing ở Anh và Tây Đức, trong khi Liên-xô đưa tên lửa SS-20 khỏi tầm vươn tới châu Âu. Trong 30 năm qua, hiệp ước này đã khiến Nga và Mỹ loại biên hơn 2600 tên lửa tầm ngắn và trung.

Các đại sứ NATO hiện cũng đang tỏ ra lo ngại về số phận của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác với Nga bao gồm Hiệp định kiểm soát vũ khí chiến lược (New START) chuẩn bị hết hạn vào năm 2021.

Ông Stoltenberg hy vọng Nga và Mỹ có thể kéo dài hiệp định này bất chấp việc Tổng thống Trump gọi đây là một thỏa thuận tồi tệ.