"NATO Ả rập" ra đời, Syria-Iran đương đầu đối thủ lớn

ANTD.VN - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Ả rập-Hồi giáo mới đây đã quyết định thành lập liên minh chống khủng bố mới, với nòng cốt là những đối thủ rất mạnh của Syria và Iran.

Mới đây, Nghị sỹ Ahmed Ismail - Thành viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia của Quốc hội Ai Cập, đã bày tỏ sự ủng hộ việc thành lập một liên minh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, được giới phân tích cho rằng, đó chính là một phiên bản “NATO Ả rập”.

Vài hôm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến thăm thủ đô Riyadh, giới lãnh đạo của các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo tới tấp bay sang Saudi Arabia, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ả rập-Hồi giáo-Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc vào ngày 21/5, Quốc vương Salma của Saudi Arabia đã nói rằng, chuyến thăm và gặp gỡ với Tổng thống Mỹ đã ghi nhận một dấu mốc lịch sử về sự ra đời của một “liên minh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan”.

Đáp lại, Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ mong muốn và hết sức ủng hộ việc thành lập một liên minh giữa các các quốc gia Ả rập và Hồi giáo để chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, mà nòng cốt là các quốc gia vùng Vịnh, với tổng quân số khoảng 34.000 người.

Vị quan chức lãnh đạo Quốc hội Ai Cập Ahmed Ismail nói rằng, Saudi Arabia đã quyết định xây dựng sự cân bằng lực lượng tương lai trong khu vực và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đến Riyadh chính vì lý do này.

"Tại cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cũng đã thảo luận với các nhà lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo và Ả rập về các vấn đề có liên quan tới 'phạm vi ảnh hưởng' và những chiến lược tiếp theo trong khu vực, vì vậy Ai Cập cần phải tham dự", ông Ahmed Ismail cho biết.

"Vai trò chính của Ai Cập là phục hồi cán cân lực lượng trong khu vực Trung Đông và bảo vệ các nước vùng Vịnh trước các mối đe dọa bên ngoài. Đồng thời, Ai Cập không hoàn toàn tin tưởng vào các bảo đảm của phía Mỹ" - ông Ahmed Ismail nói.

Ai Cập biết rõ đặc thù nền chính trị Mỹ, ở đó con người và tổng thống có thể thay đổi, nhưng chính trị và các mục tiêu vẫn như cũ. Theo ông Ahmed Ismail, Tổng thống Abdel el-Sisi biết điều đó và sẽ hành động vì lợi ích quốc gia.

Giới phân tích cho rằng, NATO Ả rập ra đời là nhằm vào Syria (Ảnh minh họa)

Đưa ra vấn đề thành lập một phiên bản "NATO Ả Rập" với sự tham gia của mình nhưng Ai Cập khẳng định, sự tham gia của họ vào thành phần liên minh chống khủng bố này không nhằm mục đích đối đầu với chính quyền của ông Assad hay can thiệp quân sự vào Syria.

Ông cho biết, Tổng thống Abedl Fattah as-Sisi và chính phủ Ai Cập khẳng định cần có một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria, chứ không phải một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn hay sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào công việc nội bộ của họ.

Theo ông, liên minh chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria mà thôi.

Tuy nhiên, giới bình luận cho rằng, mọi chuyên không đơn giản như thế. Mục đích chính khiến “NATO Ả rập” ra đời là nhằm ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông và lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria bashar al-Assad.

Liên minh này bao gồm nòng cốt là các quốc gia Ả rập không thân thiện với Iran, Syria và các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni sẽ làm tất cả để khiến 2 chính quyền dòng Shiite (chính quyền Syria do người Alawite lãnh đạo, là một nhánh của dòng Shiite) sụp đổ.

Trong thời gian tới, liên minh này có thể tăng cường hỗ trợ các nhóm phiến quân đối lập đánh chiếm thêm các vùng lãnh thổ ở Syria, nhằm mục đích lật đổ chính quyền của ông Bashar al-Assad, buộc Iran phải rút các lực lượng vũ trang được họ hỗ trợ về nước.

Thậm chí, các nước này có thể tung quân vào Syria để bảo vệ các khu vực kiểm soát của lực lượng đối lập, để chúng yên tâm đánh chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ của Syria, tạo điều kiện ép ông Assad phải từ chức, khiến Iran mất đi đồng minh cuối cùng ở Trung Đông.