Mỹ quyết định triển khai lính đặc nhiệm tới Iraq, trái với thỏa thuận rút quân

ANTĐ - Ngày 5-12, một nghị sỹ Iraq cho biết quyết định của Lầu Năm Góc triển khai lính đặc nhiệm tới Iraq để chống IS vi phạm thỏa thuận giữa hai nước về việc rút quân Mỹ khỏi nước này.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, Washington sẽ triển khai một “lực lượng mục tiêu viễn chinh đặc biệt” tới Iraq để hỗ trợ lực lượng quân đội Iraq và Kurd chiến đấu chống Daesh hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

“Chúng tôi hoàn toàn phản đối việc triển khai quân đội Mỹ tới Iraq để tiến hành các chiến dịch quân sự và tình báo. Các lực lượng an ninh Iraq và lực lượng Shiite al-Hashd al-Shaabi (thuộc một phần của các Lực lượng Động viên nhân dân) có khả năng giải phóng được các khu vực do các tay súng IS chiếm đóng”, nghị sỹ Iraq Khalaf Abd Samad cho biết.

Lính Mỹ được triển khai tại Iraq

Ông còn nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng thỏa thuận Mỹ-Iraq về việc rút lính Mỹ khỏi nước này được ký từ năm 2011, và nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự triển khai binh lính nước ngoài nào tới Iraq sẽ được coi là một sự xâm lược và vi phạm chủ quyền của Iraq.

Tháng 3-2003, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Iraq khi Washington cáo buộc nhà lãnh đạo khi ấy của Iraq là Saddam Hussein ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cuộc chiến chỉ kết thúc vào năm 2011, khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq, ngoại trừ lực lượng tại Đại sứ quán Mỹ.

Hiện tại, còn khoảng 3.400 lính Mỹ ở Iraq, trong khi vào hồi tháng 11, nước này cũng đã gửi thêm 50 lính đặc nhiệm đến miền bắc Syria để làm cố vấn cho lực lượng chống IS tại đây.

Kể từ tháng 8-2014, Mỹ đã đứng đầu một liên minh quốc tế gồm khoảng 60 nước tiến hành các cuộc không kích chống IS ở Iraq và Syria. Từ đó cho đến nay, Mỹ đã tiến hành 3.000 lượt ném bom, chiếm 95% tổng số lượt không kích của cả liên quân.