Mỹ phát triển vệ tinh phòng thủ tên lửa trị giá 2,9 tỉ USD

ANTD.VN - Không quân Mỹ vừa tuyên bố kí hợp đồng trị giá 2,9 tỉ USD nhằm phát triển và mua 3 hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa từ nhà thầu quân sự Lockheed Martin.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Vệ tinh quỹ đạo Trái đất (GEO), một phần của mạng lưới vệ tinh OPIR thế hệ mới, sẽ củng cố đáng kể khả năng cảnh báo sớm tên lửa của Mỹ, đồng thời chứng minh khả năng sống sót tuyệt vời trước các mối đe dọa.

Mạng lưới vệ tinh OPIR thế hệ mới sẽ dần thay thế hệ thống vệ tinh SBIRS của Mỹ. Vệ tinh đầu tiên thuộc OPIR sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2023.

“Khi chúng tôi phát triển hệ thống mới, vấn đề tốc độ là vô cùng quan trọng. Chúng tôi đang tập trung vào việc duy trì khả năng sống sót của vệ tinh trong môi trường nguy hiểm”, đại diện không quân Mỹ Heather Wilson cho hay.

Mỹ đầu tư phát triển vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa

Trong hệ thống phòng vệ tên lửa của Mỹ, vệ tinh cảnh báo sớm là vòng phòng thủ đầu tiên. Nó có nhiệm vụ phát hiện, phân loại và cảnh báo các mối đe dọa từ tên lửa.

Không quân Mỹ đang vận hành 77 vệ tinh làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bao gồm các nhiệm vụ như truyền thông, chỉ huy và kiểm soát, cảnh báo sớm và phát hiện phóng xạ hạt nhân.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM), John Hyten đã khẳng định vào hồi đầu tháng 8 rằng, yếu tố chủ chốt giúp bảo vệ lục địa Mỹ khỏi các mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc và Nga nằm ở không gian vũ trụ.