Mỹ lo Trung Quốc xây căn cứ quân sự ở nước ngoài

ANTD.VN - Theo một báo cáo mới của Lầu Năm góc hồi tuần trước, Trung Quốc sắp hoàn thành cơ sở “hỗ trợ hậu cần” ở quốc gia Đông Phi Djibouti và Bắc Kinh có thể sớm tìm cách thiết lập các cơ sở tương tự trên thế giới.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở ở Djibouti vào đầu năm 2016 tại địa điểm gần Trại Lemonnier, một tiền đồn thực hiện chiến dịch đặc biệt của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, cơ sở này nằm gần một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, sẽ cho phép quân đội nước này “hoàn thành tốt hơn các sứ mệnh hộ tống và đóng góp mới cho hòa bình và ổn định khu vực”. Bắc Kinh cũng cho biết, cơ sở ở Djibouti có thể giúp Trung Quốc mở rộng các nỗ lực chống cướp biển vốn được triển khai ở ngoài khơi Somalia từ năm 2008.

Mỹ lo Trung Quốc xây căn cứ quân sự ở nước ngoài  ảnh 1Căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc xây dựng tại Djibouti sẽ hoàn thành trong năm 2018

Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại

Trong khi đó, Lầu Năm góc cho biết, cơ sở này có thể sẽ được hoàn thành trong năm tới, cho phép Trung Quốc tiếp tục tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cung cấp viện trợ nhân đạo. Nhưng các quan chức quân đội Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này.

“Phải nói rằng nó giống như một căn cứ quân sự. Đây là lần đầu tiên họ có căn cứ ở nước ngoài”, tướng Thomas Waldhauser, Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ ở châu Phi cho biết hồi tháng 3-2017. Ông Waldhauser nói thêm: “Chúng ta chưa bao giờ có căn cứ tương tự như vậy, thế nên mới nói rằng đó là một đối thủ cạnh tranh ngang hàng”.

Theo báo cáo của Lầu Năm góc được công bố hồi tuần trước, căn cứ Djibouti cùng với những chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân đến cảng nước ngoài đã phản ánh mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như sự mở rộng tầm với của lực lượng vũ trang nước này. 

Báo cáo còn cho biết, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự khác ở các nước có quan hệ hữu nghị lâu dài và có lợi ích chiến lược tương tự như         Pakistan. Thực tế, Trung Quốc đã góp công sức lớn trong việc xây dựng cảng Gwadar cùng với mạng lưới đường sá và các nhà máy điện thuộc một dự án gọi là Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách thành lập thêm nhiều trung tâm có thể hoạt động trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó tạo nên mô hình kết hợp giữa các cảng thương mại gần nhất với nhu cầu hậu cần của quân đội Trung Quốc ở nước ngoài.

Nhiều nước thận trọng theo dõi

Về phần mình, Bắc Kinh đã bác bỏ thông tin mà báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu, trong đó có nói rằng Trung Quốc đã chi 180 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2016, lớn hơn con số chính thức công bố là hơn 140 tỷ USD. Trước đó, Bắc Kinh đã cố gắng làm dịu các mối quan tâm của khu vực và toàn cầu về chủ nghĩa bành trướng, nhiều lần nói rằng họ không phải tìm kiếm “bá quyền” kiểu Mỹ thông qua các căn cứ quân sự. 

“Phải nói rằng cơ sở của Trung Quốc ở Djibouti giống như một căn cứ quân sự. Đây là lần đầu tiên họ có căn cứ ở nước ngoài”. Tướng Thomas Waldhauser, Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ ở châu Phi

 Tuy vậy, chính Trung Quốc đã gợi ý rằng sẽ có thêm nhiều cơ sở tương tự ở Djibouti. Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hồi tháng 3-2016 nói: “Chúng tôi sẵn sàng, theo nhu cầu khách quan, đáp ứng nguyện vọng của các nước chủ nhà và các khu vực vốn tập trung các lợi ích của Trung Quốc, bằng cách cố gắng xây dựng một số cơ sở hạ tầng và hỗ trợ”.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất bày tỏ sự thất vọng về cơ sở ở Djibouti và các hoạt động khác của Trung Quốc trong khu vực. Tại Ấn Độ, việc xây dựng cơ sở này làm gia tăng mối quan ngại rằng Bắc Kinh đang mở rộng “chuỗi hạt ngọc trai”, ám chỉ các cơ sở quân sự và đối tác của họ ở Ấn Độ Dương và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với New Delhi, cơ sở ở Djibouti có thể tạo điều kiện cho hoạt động giám sát đối với Vùng Vịnh và các lãnh thổ phía Tây Ấn Độ. 

“Nếu tôi là người Ấn Độ, tôi sẽ rất lo lắng với những gì Trung Quốc đang xây dựng ở Djibouti”, một nhà ngoại giao phương Tây nói về kế hoạch của Trung Quốc hồi tháng 3-2016. Được biết, Ấn Độ đã thận trọng theo dõi 7 tàu ngầm Trung Quốc vào Ấn Độ Dương từ cuối năm 2013. “Lý do là tuần tra chống hải tặc ở Vịnh Aden, nhưng tàu ngầm thì có thể làm gì để chống lại cướp biển và thuyền buồm của chúng?”, một nguồn tin quốc phòng của Ấn Độ nói với The Times of India hồi tháng 5-2017.

Gần đây, Ấn Độ cùng với Australia, cũng như một số nước khác trong khu vực đã xem xét việc hình thành liên minh không chính thức để tăng cường an ninh khu vực trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.