Mỹ đưa nhiều xe tăng, xe bọc thép, xe lội nước tới Na Uy để làm gì?

ANTĐ - Ngày 5-8, báo Adresseavisen của Na Uy đưa tin, chiếc tàu vận tải USNS PFC Dewayne T. Williams của hải quân Mỹ dự kiến ​​sẽ chở theo nhiều xe tăng hạng nặng, xe bọc thép và xe lội nước sẽ đến làng Namdalseid của Na Uy vào ngày 10-8 tới. 

Số vũ khí này sẽ bao gồm các xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 M1A1 Abram, xe bọc thép LAV-25 và xe lội nước bánh xích AAV-7. Các trang thiết bị hạng nặng, mới hơn này sẽ thay thế các xe tải và xe bọc thép chở quân mà trước đó đã được cất giữ trong các hầm boongke trong núi ở miền trung Na Uy.

Phát biểu trước báo giới, ông Elin Agdsteyn, nghị sỹ đảng Heyre thuộc liên minh cầm quyền Na Uy, thành viên Ủy ban Quốc phòng của quốc hội cho rằng việc cung cấp các xe bọc thép mới cho thấy NATO tiếp tục theo dõi sát tình hình châu Âu và điều này là rất quan trọng trong bối cảnh tình hình căng thẳng hiện nay.

Trong khi đó, tờ báo Aftenposten của Na Uy dẫn các nguồn tin quân sự địa phương cho rằng quyết định thay đổi các trang thiết bị chiến đấu được cất giữ tại Na Uy của Mỹ đã được đưa ra trên cơ sở những kinh nghiệm từ Iraq và Afghanistan.

Mỹ đưa nhiều xe tăng, xe bọc thép, xe lội nước tới Na Uy để làm gì? ảnh 1
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams của Lục quân Mỹ

Nhà nghiên cứu Brett Ulriksen thuộc Viện Quan hệ quốc tế Na Uy cho rằng số trang thiết bị mới đến này là một dấu hiệu về viễn cảnh ảm đạm của Mỹ về tương lai của châu Âu. "Điều này có thể có liên quan chặt chẽ đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine", ông nói với báo Aftenposten.

Mỹ có tổng số 6 cơ sở lưu trữ trong các dãy núi thuộc khu vực Trøndelag ở miền trung Na Uy. Ngoài ra, trang thiết bị chiến đấu của Mỹ còn được cất giữ tại căn cứ không quân của Na Uy ở khu vực này, một trong số đó đang được tái bố trí tới sân bay quốc tế Vaernes ở Trondheim, thành phố lớn thứ 3 nước này.

Theo báo Adresseavisen, các cơ sở lưu trữ này được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và là đối tượng gây nên những cuộc tranh cãi lớn vào thời điểm đó. Chiếc tàu đầu tiên của Mỹ chở theo trang thiết bị quân sự đã đến khu vực này vào giữa những năm 1980 và đã vấp phải các cuộc biểu tình phản đối của người dân địa phương và sự chỉ trích gay gắt từ báo chí Liên Xô.

Tuy nhiên, hiện nay dường như vẫn có đôi chút tranh cãi xung quanh vấn đề này, ngay cả khi đảng cánh hữu Xã hội chủ nghĩa chống NATO của Na Uy đã đồng ý ký một thỏa thuận gia hạn cơ sở lưu trữ này vào năm 2006.