Mỹ công bố chiến lược quân sự mới cho năm 2015

ANTĐ - Vào ngày 1-7 vừa qua, Mỹ đã công bố bản Chiến lược Quân sự quốc gia mới dành cho năm 2015, theo đó nhấn mạnh sự chuyển dịch đối tượng tập trung chiến lược sang khu vực Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường đề phòng với Nga.

Văn bản chính thức này khẳng định: “Mỹ là quốc gia kiên cường nhất thế giới với các thế mạnh về mặt công nghệ, năng lượng, các nước đồng minh và các đặc điểm nhân khẩu học. Tuy nhiên, những ưu thế này đang phải đứng trên bờ vực thách thức.”

Moscow cho rằng, Washington đang thể hiện những hành động “đạo đức giả” khi liên tiếp buộc tội NgaBên cạnh đó, chiến lược của Nhà Trắng còn thể hiện sự chuyển dịch đối tượng tập trung từ các phần tử cực đoan sang những nước luôn được xem là “đối thủ” của nước này, bao gồm Triều Tiên và Trung Quốc. Nỗi lo sợ mất đi tầm ảnh hưởng nhất định của mình tại khu vực Thái Bình Dương đã khiến Mỹ nhanh chóng thúc đẩy hợp tác an ninh với Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và một số nước Nam Á.
Tuy nhiên, vị trí đứng đầu trong danh sách đề phòng vẫn dành cho nước Nga. Đầu tiên, Washington tiếp tục nhấn mạnh tới những tuyên bố không có cơ sở trước đó rằng, Moscow đã nhúng tay vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine: “Các hành động quân sự của Nga thông qua các lực lượng ủy nhiệm đang làm nguy hại đến an ninh khu vực một cách trực tiếp”.
Sau đó, văn bản này còn cáo buộc Nga đang đe dọa tới sự bảo toàn của Hiệp ước tên lửa tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty) và đề cao tầm quan trọng của NATO rằng, đây là một liên minh chiến lược có vai trò to lớn trong việc giảm các cuộc xung đột, đặc biệt là trước sự gây hấn của Nga gần đây.

Ngoài Mỹ và NATO, các quốc gia Baltic cũng bày tỏ sự lo lắng trước sự xâm lược của Nga. Chánh Văn phòng Tổng thống Nga, ông Sergei Ivanov gọi thông tin này là “vô nghĩa”: “Tôi cảm thấy thật hài hước khi Nga bị buộc tội đang thực hiện những hành động quân sự công kích. Đó là những điều vô nghĩa, hẳn phải là sự rối loạn tâm lý khi cho rằng, Nga sẽ xâm lược các quốc gia Baltic”.
Mặt khác, trang tin Sputnik của Nga cũng thể hiện quan điểm cho rằng, Mỹ chỉ chăm chăm buộc tội Nga mà không hề cân nhắc đến những hành động của mình, điển hình như sự can thiệp của Mỹ vào chiến dịch đánh bom do Ả-Rập Saudi dẫn đầu tại Yemen, và Washington nên tập trung sự chú ý vào các phần tử cực đoan hơn là chỉ chăm chú nghĩ ra các lí do công kích hướng vào đối thủ cũ từ Thế chiến thứ 2 do lo lắng sẽ mất đi vị trí “bá chủ thế giới”.