Mỹ bất lực, 2 hạm đội Nga hợp sức độc chiếm Địa Trung Hải

ANTD.VN - Nga đã điều động cụm tàu sân bay Kuznetsov, có sự tháp tùng của tuần dương hạm mạnh nhất thế giới là Pyotr Velikiy sang tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria, đồng thời khống chế không phận và hải phận Địa Trung Hải.

Nhóm tàu của Hạm đội Biển Bắc lên đường tới Syria

Thông cáo báo chí của Hạm đội Biển Bắc cho biết, nhóm tàu chiến này bắt đầu cuộc hành quân đến Địa Trung Hải, hợp với biên đội tàu chiến Nga, thuộc Hạm đội Biển Đen vốn thường trú ở đây từ hơn 1 năm qua, để tham gia chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.

Thành phần của biên đội này bao gồm tàu sân bay động cơ thông thường “Đô đốc Kuznetsov”, tuần dương hạm tên lửa hạt nhân hạng nặng “Peter Đại đế” (Pyotr Velikiy), tàu khu trục chống ngầm hạng nặng Severomorsk và “Phó Đô đốc Kulakov” và một số tàu bổ trợ hậu cần khác.

Mục tiêu chiến dịch của Nga là đảm bảo sự hiện diện hải quân trong một khu vực hàng hải quan trọng, bảo đảm sự an toàn giao thương hàng hải và các hoạt động kinh tế đường biển khác, ứng phó với các hình thức mới của các mối đe dọa từ cướp biển và khủng bố quốc tế.

Nằm trong kế hoạch đào tạo của Hải quân Nga, nhóm tàu chiến của Hạm đội Biển Bắc sẽ vừa hải hành vừa tiến hành các khoa mục tập luyện, theo hành trình từ phía bắc của Nga, rẽ sang khu vực phía Đông Bắc Đại Tây Dương, đi xuống phía nam, sau đó tới Địa Trung Hải.

Trên đường hành trình và sau khi đến Địa Trung Hải, các binh lính Nga sẽ thực hành các bài tập đào tạo kĩ năng hàng hải, điều phối hoạt động tác chiến trên biển và các bài tập hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng không quân hạm và các tàu chiến.

Biên đội tàu chiến của Hạm đội Biển Bắc hành quân đến Địa Trung Hải tham chiến ở Syria được cho là tập hợp lực lượng mạnh nhất của hải quân Nga. Trong đó, tiêu biểu là tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov” và tuần dương hạm hạt nhân Pyotr Velikiy.

Nga đã điều tàu sân bay duy nhất “Đô đốc Kuznetsov” tới Địa Trung Hải

Sự hiện diện của 2 siêu hạm này sẽ tăng cường khả năng phòng không và chống hạm cho lực lượng hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Theo thông lệ, đi cùng biên đội tàu sân bay sẽ có ít nhất là 1 tàu ngầm hạt nhân, khiến nhóm tàu Nga ở thường trú ở đây vốn đã mạnh nay càng mạnh thêm.

Hiện tuần dương hạm Moskva (kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen) đang thống lĩnh nhóm tàu của hạm đội này thường trú ở Địa Trung Hải. Nga cúng mới điều thêm 3 tàu tên lửa, trong đó có 2 tàu mang tên lửa hành trình Kalibr đến tham gia nhóm tàu này.

Các chiến hạm Nga có khả năng chống hạm “siêu khủng”

Theo các chuyên gia quân sự, trong đợt triển khai ở Địa Trung Hải này, 2 tuần dương hạm Nga Moskva (64 quả) và Pyotr Velikiy (96) quả sẽ tiến hành lập ô phòng không trên không phận Địa Trung Hải, với các hệ thống phòng không S-300F (S-300 Fort, phiên bản trên hạm của S-300PMU).

Ngoài ra, các chiến hạm Nga có thể tiến hành thử nghiệm vũ khí tiến công và các thiết bị tác chiến khác, đặc biệt là tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov” sẽ lần đầu thử nghiệm thực chiến tiêm kích hạm thế hệ mới MiG-29K và tên lửa hành trình chống hạm Kh-35UE.

Tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov” sẽ mang theo 14 tiêm kích hạm Su-33 và MiG-29K, cùng với một số trực thăng vũ trang Ka-52K Katran. Cả tiêm kích hạm và trực thăng Nga đều có khả năng mang theo 2 quả tên lửa chống hạm thế hệ mới nhất Kh-35UE, có tầm phóng 260km.

Ngoài ra, bản thân tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov” cũng được trang bị tới 12 tên lửa chống hạm P-700 Granit, tầm phóng 625km, đầu đạn nặng 750kg.

Tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov phóng tên lửa chống hạm P-700

Tuần dương hạm Pyotr Velikiy có khả năng mang tới 20 quả tên lửa hành trình chống hạm P-700 Granit, đầu đạn nặng 750kg, tầm phóng 625km.

Còn tuần dương hạm Moskva có thể mang 16 tên lửa hành trình chống hạm P-500 Bazalt, đầu đạn nặng 1.000kg, với tầm phóng 550km hoặc tên lửa P-1000 Vulcan với tầm phóng 700km, đầu đạn nặng 500kg.

Cả 3 loại này đều thuộc dòng tên lửa chống hàng không mẫu hạm, được Liên Xô thiết kế chuyên dụng chống tàu sân bay Mỹ. Với đầu đạn thường siêu nặng, chúng chỉ cần 1 quả là có thể đánh chìm một tàu sân bay. Ngoài ra, tên lửa còn có thể lắp đầu đạn hạt nhân 350Kt.

Ngoài ra, các tàu tên lửa Kalibr của Nga cũng sẽ có cơ hội lần đầu tiên thử nghiệm thực chiến phiên bản tên lửa hành trình chống hạm 3M-54T (tầm phóng 660km), sau khi “anh em song sinh” là phiên bản hành trình tấn công mặt đất 3M-14T (2.500km) đã được thử lửa ở Syria.

Với nhóm tàu được trang bị các loại tên lửa chống hạm mạnh uy lực và hiện đại của Nga, cùng với khả năng phòng không hạm đội mạnh mẽ, các chuyên gia tin rằng, Moscow đang có ý định kiểm soát cả không/hải phận Địa Trung Hải, đặc biệt là ý định khống chế cụm tàu sân bay Mỹ.

Hiện Mỹ đang có vài tàu khu trục và tuần dương hạm trên Địa Trung Hải, cùng với cụm tàu sân bay CVN-69 USS Dwight D. Eisenhower đang hiện diện ở vịnh Persian (vịnh Ba Tư). Kể cả trong trường hợp CVN-69 di chuyển sang Địa Trung Hải thì nó cũng trở thành “bia tập bắn” cho cụm tàu Nga.