Máy bay quân sự Australia tuần tra ở Biển Đông

ANTĐ - Australia hôm qua cho biết máy bay do thám P-3 Orion đã thực hiện chuyến tuần tra hàng hải định kỳ trong nỗ lực duy trì an ninh và ổn định khu vực.
Australia hôm qua cho biết máy bay do thám P-3 Orion đã thực hiện chuyến tuần tra hàng hải định kỳ trong nỗ lực duy trì an ninh và ổn định khu vực.

    Trong một chuyến bay dân sự gần đây, phóng viên BBC  tình cờ phát hiện sóng radio cho thấy, phi công Australia đang gọi hải quân Trung Quốc.

    Máy bay P-3 Orion của Australia. Ảnh: SMH

    "Hải quân Trung Quốc, hải quân Trung Quốc, chúng tôi là một máy bay Australia đang thực hiện quyền tự do đi lại quốc tế trong không phận quốc tế theo công ước hàng không dân dụng quốc tế và công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển, hết", phóng viên Rupert Wingfield-Hayes bắt được sóng radio trên khi đang ngồi trong máy bay dân sự Philippines.

    Theo SMH, máy bay của Hayes đang bay gần Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì ghi âm được giọng nói của một phi công Australia gọi hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không đáp lại lời thông báo của phi công Australia.

    Sam Bateman, cựu sĩ quan hải quân Australia, giảng dạy ở đại học Wollongong, cho rằng đó là một cuộc gọi tiêu chuẩn.

    "Đó là loại tín hiệu mà họ phải làm nếu đến gần một tàu chiến nước ngoài. Đây đơn thuần là  biện pháp an toàn để cho con tàu biết máy bay thuộc về nước nào, và đang làm gì".

    Cơ quan quốc phòng Australia sau đó xác nhận với BBC và cho biết, chuyến bay nằm trong lịch trình tuần tra hàng hải định kỳ trên Biển Đông từ 25/11 đến 4/12, theo Skynews. Quân đội Australia đang thực hiện nhiều chuyến tuần tra như vậy trong khu vực. 

    SMH nhận định, động thái này là tín hiệu Autralia gửi tới Bắc Kinh rằng, nước này không chấp nhận các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc và việc xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực mà Việt Nam, Malaysia, Philippines cùng một số nước khác tuyên bố chủ quyền.

    Quan trọng hơn, hành động này diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng cao sau khi một tàu khu trục Mỹ tiến gần một trong những bãi đá mà Trung Quốc cải tạo trái phép hồi tháng 10, trong chuyến tuần tra "tự do hàng hải".

    James Goldrick, một sĩ quan hải quân về hưu đang làm cố vấn cho chính phủ Australia về sách trắng quốc phòng sắp công bố, cho rằng chuyến bay tuần tra Biển Đông có thể được hiểu như lời thách thức với Trung Quốc.

    "Tín hiệu này thể hiện, chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động trên biển thường xuyên", Goldrick nói, nhấn mạnh các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế. 

    Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện chính sách chiến lược Australia cũng ủng hộ quan điểm trên, và nói thêm điều "nực cười" rằng tại sao chuyến bay đó lại do một nhà báo BBC phát hiện. Chính phủ Australia đáng lẽ phải công bố tin này, và đó là thông điệp mạnh mẽ nhất gửi tới Bắc Kinh.

    Phi công Australia gọi hải quân Trung Quốc trên đá Vành Khăn: