Máy bay ném bom Tu-160M2 của Nga sẽ có gì đặc biệt?

ANTD.VN -Máy bay ném bom Tupolev Tu-160M2 sẽ bắt đầu cất cánh vào năm 2018 và quá trình sản xuất hàng loạt diễn ra vào năm 2021. Đây là phiên bản hiện đại hóa của mẫu máy bay ném bom Tu-160 do Liên-xô thiết kế và chỉ được sản xuất với số lượng giới hạn.

“Chiếc Tu-160M2 sẽ bắt đầu bay thử vào cuối năm 2018, sau đó lô máy bay sản xuất hàng loạt đầu tiên sẽ được thử nghiệm vào năm 2021. Không quân Nga sẽ mua các máy bay này ở thời gian sau đó”, Tư lệnh Bondarev nói vào hôm 4-8.

Thời gian này có chút thay đổi so với thông tin tiết lộ từ chính phủ Nga từ trước đó, cho biết, Tu-160M2 sẽ có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2019 và quá trình sản xuất bắt đầu từ năm 2023.

Máy bay ném bom Tu-160 của Nga

Mặc dù Tu-160M2 ít nhiều vẫn sử dụng khung máy bay cũ, nó sẽ là một mẫu máy bay hoàn toàn mới với các hệ thống điện tử hàng không hiện đại và động cơ Kuznetsov NK-32 nâng cấp. Nga có kế hoạch mua 50 chế tạo chiếc Tu-160M2 mới nhưng hiện vẫn chưa rõ 16 chiếc Tu-160 cũ có được hiện đại hóa lên tiêu chuẩn mới hay không.

Khác với chiến thuật sử dụng khả năng tàng hình để xâm nhập sâu vào không phận của đối phương như máy bay ném bom Mỹ, Tu-160M2 sẽ sử dụng khả năng bay ở tốc độ nhanh gấp 2 lần âm thanh của mình để lao tới mục tiêu và phóng các tên lửa hành trình tầm xa. Do đó, khả năng tàng hình sẽ không được chú trọng bản cập nhật mới mà thay vào đó là những công việc hiện đại hóa nhằm giúp nó mang được tên lửa hành trình Kh-101 và 102 hiện đại.

Tên lửa Kh-101 và Kh-102 là loại tên lửa được thiết kế để vượt qua hệ thống phòng không dày đặc của đối phương, qua đó cho phép máy bay ném bom thực hiện nhiệm vụ từ xa. Cả hai loại tên lửa này, lần lượt mang được đầu đạn thông thường và hạt nhân, đều có tầm hoạt động lên đến 2.900km và đã từng xuất hiện tại Syria

Ngoài ra, theo cố vấn của phó giám đốc Công ty công nghệ radio-điện tử (KRET) ông Vladimir Mikheev, việc nghiên cứu hệ thống điện tử hàng không và tác chiến điện tử mới cho Tu-160M2 sẽ được bắt đầu ngay trong năm nay. Tu-160M2 sẽ được trang bị một hệ thống định vị vũ trụ ANS-2009 mới có khả năng xác định được vị trí và tốc độ của máy bay với độ chính xác cực kì cao.

Lợi thế của công nghệ này so với các hệ thống khác đó chính là khi rơi vào hoàn cảnh thực chiến, các vệ tinh nhân tạo có thể sẽ bị chiếm quyền kiểm soát hoặc phá hủy bởi quân địch, do vậy nếu làm việc dựa theo vị trí của các vì sao ngoài vũ trũ, hoạt động định vị của máy bay dường như sẽ không thể bị gián đoạn.