Lục quân Nga sắp được trang bị bộ quân phục “người lính tương lai”

ANTĐ - Ngày 5-8, trưởng phòng khoa học quân sự các lực lượng mặt đất Nga cho biết, bộ quốc phòng nước này hy vọng sẽ bắt đầu mua bộ quân phục “người lính tương lai” được thiết kế trong nước mang tên Ratnik, hiện đang trong quá trình thử nghiệm cuối cùng, vào tháng 10 năm nay. 

Phát biểu với báo giới, ông Aleksander Romanyuta cho biết: “Bộ quân phục Ratnik hiện đang trải qua các đợt kiểm tra cuối cùng và chúng tôi hy vọng rằng kể từ tháng 10 tất cả các bộ phận của bộ quân phục này sẽ được bộ quốc phòng mua hàng loạt và cung cấp cho binh lính".

"Nếu có bất kỳ sai sót nào được phát hiện trong quá trình sử dụng thì chúng sẽ được loại bỏ ngay trong năm đầu tiên khai thác sử dụng", ông khẳng định.

Trong khi đó, ông Dmitry Semizorov, người đứng đầu công ty vũ khí nhà nước Tochmash có trụ sở gần thủ đô Moscow, cho biết, hàng năm, Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch sẽ mua 50.000 bộ quân phục Ratnik. Việc này sẽ cho phép ngành công nghiệp quốc phòng Nga đáp ứng được nhiệm vụ cung cấp cho lục quân 70% trang thiết bị mới theo chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này.

Lục quân Nga sắp được trang bị bộ quân phục “người lính tương lai” ảnh 1
Lính Nga đang thử nghiệm bộ quân phục Ratnik


Ông Semizorov còn cho biết thêm rằng, công ty chế tạo vũ khí này cũng đã bắt đầu phát triển một bộ quân phục chiến đấu mới để dự kiến thay thế bộ quân phục Ratnik trong những năm tới.

Bộ quân phục “người lính tương lai” Ratnik bao gồm khoảng 50 bộ phận, trong đó có súng cầm tay, áo giáp và các thiết bị quang học, thông tin liên lạc và định vị, cùng với các hệ thống bảo vệ và cung cấp năng lượng.

Bộ trang phục mới này có thể được trang bị cho binh  lính bộ binh chính quy, lính dù, lính điều hành bệ phóng tên lửa, xạ thủ súng máy, lái xe và lính trinh sát.

Nhiều quốc gia khác cũng có các chương trình phát triển quân phục người lính tương lai tương tự, như bộ quân phục “Land Warrior” của Mỹ, bộ quân phục “IdZ” của Đức, bộ quân phục “FIST” của Anh, “COMFUT” của Tây Ban Nha, “IMESS” của Thụy Điển và “FELIN” của Pháp.