Lữ đoàn xe tăng 201 luyện tập cơ động sẵn sàng chiến đấu

ANTĐ - Chúng tôi đến Lữ đoàn xe tăng 201 (Binh chủng Tăng - Thiết giáp) đúng vào ngày đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên cao, cơ động lực lượng ra khu vực tập trung bí mật và sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo – một phần trong kế hoạch diễn tập theo chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp.

Sau khi cơ động vào vị trí theo kế hoạch đã hiệp đồng, xe tăng số hiệu 910 thuộc Trung đội 2 (Đại đội 8, Tiểu đoàn 3) nhanh chóng ngụy trang, xóa vết xích, đào công sự cá nhân. Theo Thiếu úy Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng xe 910, sở dĩ hành động của thành viên kíp xe phải khẩn trương, dứt khoát là bởi ngay từ khi nhận lệnh hành quân, tổ thi đua của Lữ đoàn đã chấm điểm các kíp xe về: Đường, hướng cơ động; kỹ thuật lái, đưa xe vào vị trí trú quân, công tác chuẩn bị chiến đấu…

Điều này được Đại tá Nghiêm Việt Đức, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 201 giải thích: “Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn đề cao và phát huy vai trò trách nhiệm tổ thi đua các cấp trong việc chấm điểm đánh giá kết quả các phân đội thực hiện chỉ tiêu của phong trào thi đua huấn luyện giỏi. Trong đợt diễn tập này, bước đầu tổ thi đua đã nhận xét: Hành động của các kíp xe luôn đảm bảo yêu cầu đầu bài chiến thuật đề ra, nhiều kíp xe đạt thành tích tốt trong công tác chuẩn bị và cơ động triển khai đội hình xuất phát tiến công”.

Đội hình phân đội 3, Lữ đoàn xe tăng 201 cơ động và vị trí trú quân bí mật

Cũng theo Đại tá Nghiêm Việt Đức, Đảng ủy, Ban chỉ huy Lữ đoàn xác định: Phong trào thi đua huấn luyện giỏi cần hướng vào xây dựng động cơ, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện. Các phân đội bám sát mục tiêu, yêu cầu, phương châm, phương pháp; đổi mới nội dung, chương trình trong huấn luyện và tổ chức diễn tập, hội thi, hội thao… chặt chẽ.

Để phong trào thi đua huấn luyện giỏi có chiều sâu, từ cơ quan Lữ đoàn đến các phân đội đẩy mạnh khâu đột phá nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ cán bộ cơ sở, đặt biệt là người trực tiếp đảm nhiệm công tác huấn luyện cho bộ đội.

Việc bồi dưỡng cán bộ hằng năm được gắn với phong trào thi đua huấn luyện tháng, quý và phong trào thi đua đột kích ở từng giai đoạn. Ngoài ra, trong công tác chuẩn bị và thực hành huấn luyện, Lữ đoàn tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ còn hạn chế nhất định về kinh nghiệm giảng dạy.

Trung đội xe tăng 2 (Đại đội 8, Tiểu đoàn 3) xung phong tiêu diệt mục tiêu

Điều này thể hiện rõ là trong khi tỷ lệ cán bộ trẻ mới ra trường ở Lữ đoàn cao, công tác chuẩn bị giáo án, học cụ có đồng chí chưa liên hệ vận dụng thực tiễn sâu sắc, Lữ đoàn thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn và duy trì nghiêm quy trình thông qua giáo án huấn luyện tại thực địa đối với các nội dung quân sự và thông qua bài giảng chính trị trước tổ giáo viên tại cơ quan.

Việc thông qua giáo án của cán bộ cấp phân đội được Lữ đoàn lập kế hoạch trong từng tháng huấn luyện. Chỉ huy đơn vị và chỉ huy các phân đội dự, theo dõi, đánh giá nhận xét kết quả thông qua giáo án đối với từng cán bộ theo phân cấp. Hoạt động này đã giúp cấp trên kịp thời bổ sung kiến thức, kinh nghiệm huấn luyện cho cấp dưới, từ đó trình độ sư phạm cũng như phương pháp truyền thụ kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu của cán bộ huấn luyện đối với bộ đội ngày càng sâu sắc, đạt hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phục vụ huấn luyện. Trước mỗi giai đoạn huấn luyện, đơn vị tổ chức chấm điểm và biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những mô hình học cụ, sáng kiến, sáng chế phục vụ huấn luyện có chất lượng cao.

Quá trình tổ chức huấn luyện và kiểm tra, hội thi, hội thao, Hội đồng thi đua khen thưởng của Lữ đoàn duy trì nghiêm việc theo dõi, chấm điểm thi đua đối với các phân đội. Cán bộ Lữ đoàn được phân công kiểm tra đơn vị có trách nhiệm ghi nhận xét trong sổ theo dõi thi đua, đồng thời phát hiện vấn đề mà người dạy và người học cần rút kinh nghiệm, từ đó tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đề ra chủ trương, biện pháp, lãnh đạo, chỉ đạo rút ra kinh nghiệm huấn luyện ở giai đoạn tiếp theo. Song song với đó, hoạt động thi đua huấn luyện giỏi được gắn chặt chẽ với hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trên thao trường, bãi tập như: Kết nạp đảng tại thực địa; tặng quà những kíp xe, cá nhân bắn giỏi…

Do tổ chức tốt hoạt động thi đua huấn luyện giỏi nên những năm qua Lữ đoàn xe tăng 201 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, đơn vị đạt an toàn tuyệt đối trong huấn luyện, diễn tập. Kết quả kiểm tra các khoa mục có 100% đạt yêu cầu, trong đó gần 80% đạt khá, giỏi. Lữ đoàn có 55 sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ huấn luyện. Nhiều cán bộ đoạt giải cao ở hội thi cán bộ huấn giỏi Binh chủng Tăng- Thiết giáp và toàn quân. Lữ đoàn xe tăng 201 được Bộ Tư lệnh Tăng- Thiết giáp công nhận là đơn vị huấn luyện giỏi nhiều năm liền.