Kinh tế sụp đổ, Ukraine vẫn đổ tiền xây dựng “quân đội hàng đầu châu Âu”

ANTĐ - Trong khi nền kinh tế đang phá sản, đời sống nhân dân xuống mức thấp nhất, Ukraine vẫn nuôi mộng xây dựng một quân đội hàng đầu châu Âu để giành chiến thắng trong cuộc chiến với phe ly khai và đoạt lại Crimea từ tay Nga.

Kinh tế phá sản, đời sống nhân dân khốn khó...

Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như cuộc xung đột với lực lượng ly khai thân Nga kéo dài gần 1 năm đã khiến tỷ giá đồng Hryvnia của Ukraine xuống thấp đến mức kỷ lục, làm tê liệt nền kinh tế và gần như bị phá sản sau nhiều năm tham nhũng và tình trạng quản lý kinh tế yếu kém của Ukraine.

Tân Bộ trưởng Bộ phát triển Kinh tế và thương mại Aivaras Abromavichus - 1 trong 3 bộ trưởng người nước ngoài của Ukraine - cam kết đưa ra những biện pháp cần được thực hiện để đơn giản tối đa hoạt động kinh doanh, để Ukraine có thể nâng lên vị trí cao hơn từ vị trí 112 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh. Trong năm 2014, Ukraine được xếp hạng thứ 96.

Trong năm nay, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhất trí cấp cho Kiev 17 tỷ USD trong vòng 2 năm (số tiền này thuộc gói cứu trợ tài chính trị giá 27 tỷ USD dành cho Ukraine). Tuy nhiên, số tiền này là không đủ để vực dậy nền kinh tế, ngoài những khoản đã được lên kế hoạch thì Ukraine sẽ cần thêm 15 tỷ USD nữa.

Theo tạp chí The Financial Times, nguồn hỗ trợ này là cần thiết vì GDP của Ukraine đã sụt giảm 7%, đồng thời xuất khẩu sang Nga cũng bị đình trệ. Sự sụt giảm này gây ra nỗi lo dòng vốn sẽ chảy ra nhanh hơn và lượng dự trữ ngoại hối giảm hơn 20% (tương đương 10 tỷ USD) trong tháng 11.

Thêm vào đó, từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của Ukraine ở đây, Kiev đã mất khoảng 20% doanh thu từ các hoạt động thương mại. Đồng thời, việc mua khí đốt với giá cao của Nga (trước đây là 263USD/1000m3 khí) cũng khiến Ukraine phải trả thêm những khoản tiền khổng lồ.

Kinh tế phá sản Ukraine vẫn đầu tư lớn cho quốc phòng

Thảm họa kinh tế đã buộc Kiev đi ngược tiến trình hội nhập châu Âu khi quyết định trong một năm áp thuế bổ sung từ 5-10% với hầu như toàn bộ các ngành hàng nhập khẩu (chỉ trừ ngoại lệ "quan trọng sống còn" là năng lượng nhập khẩu), nhằm ổn định cán cân thanh toán của đất nước và bù đắp cho ngân sách bị thâm hụt.

Quyết định trên đã gây phẫn nộ cho giới kinh doanh châu Âu bởi hầu hết những người chịu tác động là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu EU, vì hiện nay Nga và Ukraine đang đình chỉ các hoạt động thương mại, chỉ còn quan hệ kinh tế duy nhất là trên lĩnh vực năng lượng mà than, khí đốt, dầu mỏ, điện thì lại không bị áp thuế.

Một cuộc điều tra xã hội học gần đây do Viện nghiên cứu quốc tế Gallup tiến hành đối với khoảng 1000 người từ tất cả các vùng của Ukraine (ngoại trừ các vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk và Crimea) đã cho thấy người dân Ukraine không hài lòng với mức sống của họ.

Người dân Ukraine đã được đề nghị đánh giá chất lượng cuộc sống của họ theo các chỉ số khác nhau, đặt điểm từ 0 đến 10. Theo kết quả điều tra, mức sống của người dân Ukraine ước tính đạt 4,3 điểm, so với 4,8 điểm trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức độ trung bình.

Tình hình hiện tại Ukraine được người dân nước này đánh giá là “tồi tệ” khi chỉ đạt thang điểm 3, số lượng người lựa chọn “hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn” chỉ đạt 5,4 điểm, đó là một trong những mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Kinh tế phá sản khiến cuộc sống nhân dân Ukraine đang gặp khó khăn

Kết quả bình chọn đã cho thấy niềm tin của người dân Ukraine đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây. 66% số người được hỏi cho rằng chất lượng cuộc sống nói chung xấu đi, và 77% có ý kiến như vậy về tình hình kinh tế trong nước, chỉ có 4% thấy chất lượng cuộc sống và triển vọng nền kinh tế được cải thiện.

Vẫn đổ tiền xây dựng quân đội "hàng đầu châu Âu"

Ngày 28-12 vừa qua, thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Oleksandr Turchynov tuyên bố, nước này cần xây dựng quân đội Ukraine mạnh nhất châu Âu để có đủ khả năng giành chiến thắng trước lực lượng ly khai đông nam Ukraine, dưới sự hậu thuẫn của Nga.

Theo quan điểm của ông này, chỉ có thể bảo vệ đất nước bằng một đội quân hùng mạnh, chứ không phải là bằng những cuộc thương lượng quốc tế và các biện pháp cấm vận, trừng phạt. Điều này chỉ có thể thực hiện bằng việc tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm thêm vũ khí và tuyển thêm binh lính.

Năm 2013, Ukraine thuộc Top mười nước có quân đội với cơ số lớn nhất ở châu Âu, sau Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Anh và Italy. Quân đội Ukraine gồm khoảng 130.000 binh sĩ. Sau khi thay đổi chính quyền trong nước và bắt đầu những chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine, ban lãnh đạo mới đã khởi động cuộc cải cách quân sự quy mô lớn.

Ukraine đã mua 75 chiếc xe bọc thép hạng nhẹ AT-105 Saxon của Anh

Trước đó, nguyên Tổng thống tạm quyền của Ukraine đã từng tuyên bố, cuộc chiến tranh của Ukraine sẽ chỉ kết thúc khi nào quân đội nước này đè bẹp lực lượng ly khai Donbass và toàn bộ lãnh thổ Ukraine được giải phóng, kể cả nước Cộng hòa tự trị Crimea.

Vì vậy, theo quan điểm của ông này, bất chấp những khó khăn về kinh tế, Ukraine quyết phải xây dựng một quân đội hùng mạnh và đội ngũ quân dự bị của dồi dào để có thể chiến thắng trong cuộc chiến ở miền đông và giành lại Crimea từ tay Nga.

Theo ông, việc thành lập lực lượng quân dự bị, đồng thời tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm củng cố tổ hợp công nghiệp-quốc phòng là vấn đề ưu tiên của Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine. “Chúng ta không thể không qua vài giai đoạn động viên mới. Nhờ đó, chúng ta sẽ nâng lực lượng dự bị lên đến 100 nghìn quân” - ông Turchynov nhấn mạnh.

Mặc dù vừa phải kêu gọi IMF mở rộng gói cứu trợ tài chính trị giá 17 tỷ USD do viễn cảnh kinh tế ngày càng tồi tệ, nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine vẫn đưa ra kế hoạch chi khoảng 475 triệu USD để mua sắm vũ khí. Trong đó, khoảng 110 triệu USD để mua vũ khí của nước ngoài trong năm 2015, cùng với 365 triệu USD chi cho việc sản xuất vũ khí trong nước.

Ukraine quyết nâng ngân sách quốc phòng trong năm 2015 lên mức 5% GDP

Hôm 12-12, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cũng kêu gọi tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong năm 2015 lên mức 5% GDP. Phát biểu trước quốc hội, ông Poltorak cho rằng, việc tăng ngân sách là để cho phép quân đội nước này mua sắm khí tài của nước ngoài và trang bị tốt hơn nhằm chống lại phe ly khai thân Nga ở miền Đông.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ukraine cũng cho biết sẽ gọi nhập ngũ 40.000 người trong năm 2015 và huấn luyện 10.500 lính chuyên nghiệp. Đồng thời, Kiev sẽ tuyển mộ thêm binh sĩ để thay thế những người đã hoàn thành thời gian đi nghĩa vụ quân sự, nâng tổng số quân nhân trong lực lượng vũ trang Ukraine từ 232.000 tăng lên 250.000.

Ukraine đã dỡ bỏ quy định đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc hồi tháng 10-2013. Trong năm 2013, Ukraine chỉ có 130.000 quân nhân trong lực lượng vũ trang của mình và gọi nhập ngũ chưa đến 25.000 người. Kiev chỉ mới khôi phục quy định này hồi tháng 5 vừa qua sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và cuộc xung đột với lực lượng ly khai ở miền Đông nước này.

Chỉ tính từ tháng 11 đến cuối năm 2014, Ukraine đã mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 792 triệu Hryvnia (gần 60 triệu USD). Cơ quan mua sắm vũ khí và kỹ thuật quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đã ký kết 30 hợp đồng, thỏa thuận và hợp đồng bổ sung cấp nhà nước để sản xuất, đại tu các vũ khí trong nước.