Kinh tế sụp đổ, nợ nần chồng chất, Ukraine vẫn tăng chi tiêu quân sự

ANTĐ - Theo thông tin mới nhất của truyền thông Ukraine, nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng năm 2016, bất chấp kinh tế đang suy sụp và phải vay tiền của chủ nợ này để trả cho chủ nợ khác.

Ukraine liên tiếp tăng cường ngân sách quốc phòng

Một thông điệp mới của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, công bố trên trang web chính thức của ông cho biết, tiếp tục đà tăng ngân sách quốc phòng của năm 2015, nước này sẽ tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2016. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Ukraine tăng cường chi phí quân sự.

Tổng thống Ukraine cho biết, trong tuần qua Rada Verkhovna (quốc hội nước này) đã tăng thêm 5,299 tỷ grivna (tương đương 240,3 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành) cho ngân sách quân sự năm 2016 để “tiếp tục tăng cường quân đội, đẩy nhanh tiến độ trang bị và tái trang bị vũ khí, thiết bị quân sự mới nhất".

Được biết, vào ngày 17 tháng 7 vừa qua, Verkhovna Rada Ukraine đã quyết định phân bổ thêm khoản tiền 5,299 tỷ grivna, cung cấp cho các hoạt động quân sự, thuộc Khu vực hoạt động chống khủng bố (ATO - Anti Terrorist Operation) chống lực lượng ly khai ở vùng Donbass.

Chính quyền Kiev dự tính, khoản tăng chi phí cho các cơ cấu quân sự và an ninh nước này được dự tính thực hiện thông qua biện pháp giảm chi phí và đầu tư ngân sách chung cho "các đối tượng chi tiêu ngân chính khác" và rút 200 triệu grivna từ các quĩ do Bộ Tư pháp quản lý.

Được biết, Ukraine đã tăng gấp 4 lần chi tiêu cho vũ khí và trang thiết bị quân sự trong năm 2015, nâng mức chi tiêu quốc phòng từ 1,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm ngoái lên 5,2% GDP trong năm 2015 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP của Ukraine năm 2014 là 177,4 tỷ USD).

Ukraine liên tiếp tăng ngân sách quốc phòng cho cuộc chiến ở Donbass

Theo thừa nhận của Thủ tướng nước này là ông Arseniy Yatsenyuk ngày 29-5 vừa qua, mỗi ngày Kiev chi cho “cuộc chiến chống khủng bố” từ 5-7 triệu USD. Trong khi đó, các khoản vay của nước ngoài đều nghiêm cấm việc sử dụng chúng vào mục đích quân sự.

Việc Ukraine liên tiếp tăng chi tiêu quân sự kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này bùng phát tại khu vực 2 tỉnh Donetsk và Lugansk, thuộc vùng Donbass diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của Ukraine đang bên bờ vực phá sản, các khoản vay từ IMF không trả nổi nợ nước ngoài chứ đừng nói để phát triển kinh tế.

Kinh tế suy sụp, tiền vay không trả nổi nợ nước ngoài

Hiện nay, tổng nợ công của Ukraine lên tới gần 70 tỷ USD, trong đó có 40 tỷ là nợ nước ngoài, riêng của các cơ cấu tư nhân đã rơi vào khoảng 22-23 tỷ USD. Những dự báo ảm đạm cũng đã tới, khi Cơ quan thẩm định tài chính Fitch đã dự đoán về sự suy giảm kinh tế Ukraine năm 2015 ở mức 9%.

Theo số liệu của các nhà phân tích thuộc công ty Goldman Sachs hồi cuối tháng 6, Ukraine sẽ vỡ nợ trong tháng 7. Nước này đang đối mặt với khủng hoảng thanh toán và xóa bỏ nợ nần, sẽ không thể chi trả kỳ hạn trái phiếu vào tháng 7 và cuối cùng sẽ vỡ nợ công.

Trong báo cáo của chính trị gia kiêm chuyên viên kinh tế Ukraine nổi tiếng, cựu nghị sĩ Verkhovnaya Rada là bà Natalia Vitrenko, vào thời điểm đầu năm nay, 35% các nhà máy Ukraine đã ngừng sản xuất, 25% doanh nghiệp bị mất thị trường. 10% công ty phá sản. Trong năm 2014, GDP của Ukraine giảm 7%.

Theo ước tính của chuyên gia kinh tế học người Mỹ Steve Hanke, dữ liệu mà chính quyền Kiev chính thức công bố về tỷ lệ lạm phát 35% hoàn toàn không phù hợp với thực trạng kinh tế nước này. Trên thực tế, mức tăng giá ở Ukraine trong năm 2014 lên tới 272%, cao nhất trên thế giới.

Nền kinh tế Ukraine đang đứng bên bờ vực vỡ nợ

Thủ tướng Ukraine Yasenyuk hồi cuối tháng 6 đã buộc phải tuyên bố, Kiev không thể trả nổi khoản nợ khổng lồ đã tích tụ trong vòng 3 năm qua. Do đó, Kiev dự định tái cơ cấu khoản vay của các chủ nợ tư nhân và kêu gọi Nga giãn nợ.

Tuy nhiên, trước những đề nghị xóa một phần nợ và lùi thời hạn thanh toán các khoản nợ khác của Kiev, nhóm các chủ nợ tư nhân của Ukraine, đứng đầu là Quỹ đầu tư Franklin Templeton, nắm giữ khoảng 8.9 tỷ USD tiền nợ, đã từ chối các điều kiện của nước này về xóa hoặc giãn nợ.

Ngày 11-3 năm nay, IMF đã đồng ý với biện pháp hỗ trợ kinh phí cho chính phủ Ukraine với số tiền là 17,5 tỷ USD trong vòng 4 năm. Ngoài ra, Ukraine trông đợi sự giúp đỡ từ các cơ cấu tài chính quốc tế khác chừng 7,5 tỷ USD.

Được biết, IMF sẽ cấp 5 tỷ USD để Ukraine thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình đối với các chủ nợ trước khi hết năm nay, Nga đã tuyên bố 3 trong số 5 tỷ USD đó sẽ phải giành để trả nợ khoản tiền trái phiếu châu Âu, mà Nga đã mua dưới thời Tổng thống Yanukovych cuối năm 2013.

Nếu Nga và các chủ nợ khác cương quyết đòi Ukraine phải thanh toán các khoản nợ đúng kỳ hạn trong năm nay, không rõ Kiev có thể xoay xở ra sao với khoản vay nhỏ nhoi của IMF và những gói viện trợ lẻ tẻ chỉ tầm vài chục triệu USD của Mỹ và các nước phương Tây?