Khả năng quân sự chiến lược ngày càng cao của Nga khiến Mỹ bất an

ANTĐ - Ngày 15-1, Tư lệnh lực lượng chiến lược Mỹ, Đô đốc Cecil Haney, đã bày tỏ quan ngại về khả năng chiến lược ngày càng gia tăng của Nga trong các lĩnh vực hạt nhân, không gian và an ninh mạng.

Tại hội nghị về răn đe chiến lược được tổ chức tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, Đô đốc Haney cho biết: "Nga đã có hơn một thập kỷ đầu tư hiện đại hóa toàn bộ các lực lượng hạt nhân chiến lược của họ. Đây không phải là sự nối tiếp của cuộc chiến tranh lạnh. Đây là khả năng ngày càng gia tăng ở một thời điểm có những quan ngại lớn về việc thực thi chiến lược ở các nước láng giềng của người Nga".

Vị tư lệnh lực lượng chiến lược Mỹ cho hay, Moscow đã có khả năng tác chiến mạng đáng kể và cũng "đã công khai tuyên bố rằng, họ đang phát triển những khả năng chống vũ trụ, vũ khí chống vệ tinh".

Đô đốc Cecil Haney còn nhắc lại những thông tin về việc "các máy bay ném bom chiến lược của Nga đã thâm nhập vào các khu vực nhận diện phòng không của Mỹ và đồng minh nhiều lần trong năm nay".

Hệ thống phòng không và phòng thủ vũ trụ S-400 của Nga

"Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng chiến lược của Nga", ông Haney nói và cho biết thêm rằng điều này được chứng minh bằng những tuyên bố và sự xuất hiện liên tục của Tổng thống Putin trong các cuộc diễn tập chiến lược lớn trong năm 2013 và 2014.

Trước đó, hồi đầu tháng 12-2014, ông Joe Courtney, thành viên tiểu ban sức mạnh hải quân thuộc Hạ viện Mỹ cũng cho rằng, nhiều thành viên mới đã bày tỏ quan ngại trước những tiến bộ lớn và sự đầu tư mạnh mẽ của Nga cho hải quân trong thời gian qua, việc này sẽ khiến quốc hội mới của Mỹ không thể ngồi yên.

“Rõ ràng là Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đầu tư rất nhiều vào việc tái cơ cấu nguồn vốn cho các nhà máy đóng tàu và các hạm đội hải quân của mình. Điều này sẽ là một mối quan ngại thực sự của tiểu ban”, ông Courtney thừa nhận và cho rằng Mỹ có “những lợi ích tại chiến trường châu Âu”, do đó cần phải hiểu được lý do đằng sau những phát triển của hải quân Nga.

Quan hệ giữa Nga và Mỹ đã trở nên xấu đi sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập về Nga hồi tháng 3-2014 và sự leo thang của cuộc xung đột vũ trang ở miền đông nam Ukraine, giữa quân chính phủ với lực lượng đòi ly khai thân Nga. Liên quan đến vấn đề này, Mỹ và đồng minh châu Âu đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận đối với Nga trong các lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng, cùng một số cá nhân có liên quan.