Iran tự tin sẽ đánh bại các vụ không kích của Israel

ANTĐ - Ngày 23-10, không quân Israel cử 8 chiếc máy bay tiêm kích bom F-15I ném bom phá hủy nhà máy sản xuất vũ khí Yarmouk ở phía nam thủ đô Khartoum của Sudan. Đây là một thiệt hại nặng nề của Sudan nhưng lại là bài học quý giá cho Iran.

Vụ không kích hoàn hảo của Israel

Theo tin tình báo Israel nhận được, đây là một công binh xưởng do người Iran xây dựng tại Sudan, chuyên dùng để sản xuất súng đạn cung cấp cho các phần tử khủng bố Hamas ở dải Gaza tấn công vào lãnh thổ Israel.

Để bảo vệ và yểm hộ tốp máy bay chiến đấu này, Israel còn cử thêm 1 chiếc máy bay tác chiến điện tử Gulfstream G-550, 2 chiếc trực thăng CH-53 chở biệt kích để giải cứu phi công trong trường hợp phi vụ thất bại. Các máy bay Israel phải vượt quãng đường dài 1900km, tổng hành trình gần 4000km trong vòng 4h nên họ phải cử thêm 1 máy bay tiếp dầu trên không B-707 (Boeing - 707) đi theo tiếp dầu.

Tiêm kích bom F-15I  là chủ lực trong vụ không kích

Các máy bay cất cánh từ một sân bay ở Negev, bay qua Biển Đỏ để tránh bị phát hiện bởi các hệ thống radar phòng không Ai Cập, sau đó xâm nhập vào không phận Sudan từ phía Đông. Trên đường đi, các máy bay F-15I đã được tiếp nhiên liệu trên Biển Đỏ sau quãng thời gian bay 90 phút.

Biên đội máy bay chiến đấu chia làm 2 tốp 4 chiếc, 1 tốp tấn công chủ lực và 1 tốp chuyên đánh chặn những chiếc Mig-29 của Sudan nếu bị phát hiện. Mỗi máy bay trong tốp 1 mang theo 2 quả bom thông minh trọng lượng 2000 pound (909kg) xâm nhập vào không phận Sudan và bay ở tầm rất thấp dưới sự chỉ dẫn của vệ tinh gián điệp, tốp thứ 2 và các lực lượng bảo đảm áp sát biên giới để sẵn sàng chi viện, máy bay bay tác chiến điện tử tiến hành gây nhiễu hệ thống radar phòng không vốn đã yếu kém của Sudan.

Bom của Israel đã kích nổ hơn 200 tấn bom đạn làm nhà máy bốc cháy dữ dội

Chiếc Gulfstream G-550 hoạt động vô cùng hiệu quả, hệ thống radar của Sudan hoàn toàn không phát hiện được gì, dẫn đến hệ thống phòng không, không quân của Sudan cũng không kịp trở tay, không một quả tên lửa nào được phóng lên, không một chiếc Mig-29 nào cất cánh ngăn chặn.

Tốp 1 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, sau khi ném 4 quả bom phá hủy hoàn toàn nhà máy, thiêu trụi hơn 200 tấn vũ khí các loại, 4 chiếc F-15I lập tức chuyển hướng bay về phía bắc, an toàn bay vào không phận quốc tế. Sau đó, các vệ tinh không gian Israel thực thi nhiệm vụ của mình là đánh giá kết quả cuộc không kích.

Ngày 24-10, người phát ngôn của chính phủ Sudan công bố với các phóng viên quốc tế, một nhà máy chế tạo vũ khí của họ đã bị phá hủy và chỉ đích danh Israel đã thực hiện phi vụ này với bằng chứng là các mảnh bom có ghi ký hiệu của Israel thu được từ 8 hố bom cỡ lớn trong nhà máy. Còn người Israel thì không đưa ra bất cứ bình luận gì.

Mô hình đồ họa mô tả kế hoạch không kích của Israel (Ảnh: Thanhnien Online)

Sự chuẩn bị của người Iran

Trong vòng 3 năm qua, để ngăn chặn vũ khí của Iran xâm nhập vào dải Gaza thông qua con đường Ai Cập và Sudan, Israel đã mấy lần không kích vào các mục tiêu ở Sudan. Tuy người Iran im lặng, coi như không có liên quan gì nhưng họ đặc biệt quan tâm đến tình tiết của vụ không kích này để trù tính cách đối phó với một kịch bản tương tự vào các cơ sở hạt nhân của họ trên một quy mô lớn hơn.

Thứ nhất: Để tiếp cận không phận Sudan, tốp máy bay Israel phải vượt quãng đường gần 2000km, bằng khoảng cách từ Israel đến Iran. Trên đường bay, một biên đội hơn 10 chiếc đủ các chủng loại, với những vận tốc khác nhau, có tiếp dầu trên không và vẫn chưa triển khai tác chiến điện tử. Giai đoạn bay hành trình là một điểm yếu chí mạng để trinh sát, phát hiện các tốp máy bay chuyên không kích “trộm” của Israel.

Nếu để họ áp sát biên giới, máy bay tác chiến điện tử tiến hành gây nhiễu hệ thống radar, với tính năng cơ động và khả năng bay thấp của F-15I việc phát hiện và đánh chặn sẽ rất khó khăn. Qua vụ không kích này, có thể nhận thấy vai trò của máy bay trinh sát, cảnh báo sớm là cực kỳ quan trọng. Từ trước đến nay, Iran chưa chú trọng đến phát triển lực lượng này, giờ họ cần phải xem xét lại hệ thống máy bay cảnh báo sớm của mình.

Israel luôn muốn tấn công phá hủy các cơ sở hạt nhân Iran

Thứ hai: Nếu tiến công các cơ sở hạt nhân nằm rải rác trên lãnh thổ Iran, Israel sẽ phải huy động lực lượng cực lớn vì hệ thống phòng không và máy bay đánh chặn của Iran mạnh hơn Sudan rất nhiều, hơn nữa để tấn công nhiều mục tiêu, họ sẽ phải chia làm nhiều tốp, bay theo nhiều hướng khác nhau. Xung quanh Iran chẳng có đồng minh nào nên người Israel có thể bay thẳng qua Iraq và Saudi Arabia không cần phải bay vòng tránh Ai Cập như khi tấn công Sudan.

Người Iran đã dự liệu, Israel có thể chia làm 3 - 4 tốp tấn công vào khu vực tây bắc, tây-tây bắc, khu vực trung tâm và qua vịnh Persian tấn công vào tây nam. Dự liệu trước các hướng tấn công có thể giúp Iran chuẩn bị sẵn phòng không và tên lửa đánh chặn hợp lý.

Những đường bay Iran có thể sử dụng để tấn công các cơ sở hạt nhân Iran

Thứ ba: Đối phó các loại máy bay tầm thấp. Với khả năng cơ động và bay tầm thấp của F-15I, nếu không phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Vì vây, Iran đã kịp triển khai các hệ thống radar tầm thấp dọc biên giới giáp với Iraq và Saudi Arabia. Đồng thời họ cũng kết hợp sử dụng một phương pháp rất thô sơ nhưng hiệu quả là đặt thêm các trạm quan sát bằng mắt thường trên các tháp đèn biển và các đỉnh núi, kết hợp hệ thống tên lửa vác vai tầm thấp. Đây quả thực là một lựa chọn đơn giản nhưng cực kỳ sáng suốt.

Người Iran tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo và chặt chẽ của mình, Israel sẽ không có cơ hội nào tấn công phá hủy các cơ sở hạt nhân của họ.