[Infographic] Tiêm kích hạm Mỹ sau khi đánh mục tiêu tại Syria đã không thể trở về tàu sân bay

ANTD.VN - Sau khi không kích các mục tiêu của khủng bố IS nằm sâu trong lãnh thổ Syria, tiêm kích hạm hiện đại F/A-18 Super Hornet đã không thể trở về được tàu sân bay mà phải chuyển hướng sang sân bay quân sự Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm 7-5, khi không kích IS, đội bay gồm 2 chiếc F/A-18 Super Hornet (mã hiệu là Freedom 52 và Freedom 55, trực thuộc phi đoàn VFA-136 Knighthawks) đã phải chuyển hướng gấp về căn cứ Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khi hạ cánh, một trong các phi công đã có triệu chứng giảm oxy mô khá nghiêm trọng, phải nhờ tới sự hỗ trợ của nhân viên mặt đất để ra khỏi buồng lái. Ban đầu tổ lái phải chuyển hướng do nhận được cảnh báo hệ thống oxy trên một chiếc Super Hornet gặp sự cố.

Đến khi hai máy bay hạ cánh, một tình huống khẩn cấp khác đã xảy ra, khi phi công của chiếc F/A-18E còn lại bắt đầu xuất hiện triệu chứng giảm oxy mô – thiếu oxy lên não và trong các mô của cơ thể. Mất oxy là một trong những tình huống rất nguy hiểm mà thỉnh thoảng phi công gặp phải do lỗi kỹ thuật từ các máy bay chiến đấu.

Mặc dù phát hiện ra lỗi nhưng các kỹ sư Mỹ vẫn chưa thể biết rõ nguyên nhân nào dẫn đến các lỗi chết người này. Theo nguồn tin này, các phiên bản F/A-18 Hornet cũ thường xảy ra sự cố giảm áp buồng lái đột ngột, trong khi F/A-18 Super Hornet và Growler lại đối mặt với lỗi ở hệ thống tạo oxy.

Tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet của Mỹ

Tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet của Mỹ

F/A-18 Super Hornet được phát triển từ tiêm kích hạm nổi tiếng F/A-18 Hornet. Chúng được đưa vào trang bị trong không quân hải quân Mỹ vào năm 1999 nhằm thay thế cho chiếc máy bay F-14 Tomcat. Những thay đổi về cấu trúc làm cho máy bay lớn hơn, tầm bay xa hơn, mang nhiều vũ khí hơn và có khả năng thực hiện đa nhiệm vụ với khả năng tàng hình nhẹ, nhằm ẩn nấp khỏi việc truy sát của phòng không đối phương. Đây được coi là loại tiêm kích hạm mạnh thành công nhất của Mỹ.