[Infographic] Thực chiến không như mong đợi, Nga rút "Thú mỏ vịt" Su-34 về nước

ANTD.VN - Được ví như "thiết xa bay", Su-34 là một trong những cường kích đáng sợ Nga. Được hứa hẹn sẽ mang lại màn thực chiến đỉnh cao tại Syria, nhưng những gì thể hiện lại khiến giới quân sự thất vọng. Su-34 nằm trong kế hoạch rút quân ngay đợt đầu của Nga tại Syria.

Trong số các khí tài Nga điều tới Syria sớm nhất có sự góp mặt của siêu cường kích Su-34. Trong khi chiến đấu cơ Su-35, trực thăng Mi-35, Ka-52 và nhất là xe tăng T-90 thực chiến tốt hơn cả mong đợi, thì Mi-28 và máy bay cường kích Su-34 lại được coi là nỗi thất vọng lớn tại chiến trường Syria.

Nga quảng cáo Su-34 là mẫu cường kích rất mạnh, nhưng các chuyên gia nhận định, nó chẳng qua chỉ là thiết kế thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cách đây hai hơn thập niên và không còn phù hợp với tác chiến hiện đại.

Một số chiếc Su-34 đầu tiên được điều động sang Syria còn gặp tình trạng bong tróc sơn, không chịu cắt bom cho dù phi công đã ấn nút tấn công. Điều này buộc Nga phải tinh chỉnh lại và đem những chiếc khác sang thay thế.

Hơn nữa, hầu hết các cuộc tấn công của Su-34 đều phải đi cặp với Su-30 hoặc Su-35 để bảo vệ. Đây là điều khá khó hiểu bởi Nga đã từng quảng bá, loại cường kích này có khả năng không chiến không thua gì các loại tiêm kích được phát triển trên nền tảng Su-27.

Máy bay cường kích Su-34

Máy bay cường kích Su-34

Su-34 được phát triển từ đầu những năm 1980 dựa trên tiêm kích đa năng hạng nặng Su-27. Mẫu thử ban đầu được gọi là T-10V (tên chính thức Su-27IB) thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 13-4-1990.

Do sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến chương trình bị trì hoãn nhiều lần, và mãi tới giữa những năm 1990, chương trình mới lại tiếp tục với tên gọi mới Su-34. Dù vậy, mãi tới vài năm gần đây thì Su-34 bắt đầu dần được trang bị loạt cho Không quân Nga.

Nga quảng bá Su-34 được trang bị các hệ thống điện tử, điều khiển hỏa lực tối tân, với radar Leninets V004 có khả năng nhìn rõ mục tiêu mặt đất ở khoảng cách 5km, hệ thống tác chiến điện tử tinh vi, tổ hợp quan sát ảnh nhiệt cùng các màn hình hiển thị đa năng, vì thế Su-34 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên thực tế chiến trường cho thấy, radar của Su-34 tối tân nhưng đôi lúc lại vô dụng.

"Su-34 vấp phải các khó khăn lớn khi tác chiến với địa hình đồi núi và rừng rậm. Radar của Su-34 không thể soi được các mục tiêu trong điều kiện địa hình như vậy và hệ thống quan sát hiển thị ảnh nhiệt cùng các thiết bị khác cũng vấp phải những hạn chế”, một nguồn tin giấu tên trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Các nhà quan sát cho rằng, thiết kế của Su-34 tỏ ra quá lạc hậu, ngày nay khi các khí tài trinh sát, cảnh giới, về hệ thống tên lửa phòng không vác vai đã cực kỳ phát triển, việc chế tạo một chiến đấu cơ chuyên thực hiện nhiệm vụ xâm nhập tầm thấp luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cực cao. Để tránh bị tiêu diệt bởi những loại vũ khí phòng không vác vai, Su-34 buộc lòng phải bay lên cao, khi vượt qua khỏi trần bay 5km, radar của Su-34 sẽ liền mất tác dụng trong việc phát hiện mục tiêu mặt đất.

Trong tác chiến đối không, radar Leninets V004 chỉ nhận biết được máy bay tiêm kích hạng nặng từ cách xa 90 km và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt ở cự ly 60 km, thông số này rõ ràng thua xa các loại chiếm ưu thế trên không chuyên nghiệp. Chưa kể thiết kế vừa cánh đuôi vừa cánh mũi của Su-34 cho độ phản hồi tín hiệu radar quá cao sẽ khiến nó bị thua thiệt rất nhiều, không thể đối đầu sòng phẳng như những gì Nga vẫn quảng cáo.

Không thể phủ nhận Su-34 là một thành tựu nổi bật nhất trong các máy bay cường kích của Liên Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh, máy bay có thể tiêu diệt các cụm phòng không tầm thấp của NATO và tiêu diệt cả các mục tiêu di động.

Nhưng thời kỳ đó đã kết thúc cách đây 20 năm. Vì vậy, Nga sẽ cần phải dốc tâm để tạo ra loại máy bay cường kích tốt nhất của ngày hôm nay chứ không nên phó mặc cho những ý tưởng từ những năm 1980 vốn không còn phù hợp trong chiến tranh hiện đại nữa.