[Infographic] Sự thật động trời: Siêu tăng Trung Quốc có thể bị hạ bởi súng bắn tỉa 'cổ lỗ sĩ'

ANTD.VN - Phần giáp phía đuôi xe tăng VT-4 quá yếu khiến nó có thể bị bắn hạ bởi loại súng bắn tỉa diệt tăng cỡ nòng 12,7mm Pugsley, ra đời năm 1918. Đây là thông tin mới nhất, cực kỳ gây sốc về loại "siêu tăng" này của Trung Quốc.

Thông tin bất ngờ này được trang Al-Masdar News dẫn nguồn tin quân sự Pakistan tiết lộ, theo đó dòng tăng mạnh nhất được Trung Quốc xuất khẩu là chiếc VT-4 có lớp giáp phía sau cực yếu.

Điểm yếu chết người chỉ được Pakistan phát hiện sau khi đưa dòng tăng này vào trang bị. Pakistan tin rằng chỉ cần những khẩu súng bắn tỉa Pugsley được Mỹ sản xuất thời Thế chiến 1 mà không cần đến tên lửa chống tăng, cũng dễ dàng loại khỏi vòng chiến đấu cỗ "siêu tăng" mà Trung Quốc luôn tung hô này.

Xe tăng VT-4 do Trung Quốc sản xuất

Xe tăng VT-4 do Trung Quốc sản xuất

Xe tăng VT-4 được nâng cấp nhẹ từ xe tăng MBT-2000 (phiên bản dành cho lục quân Pakistan, được phát triển từ dòng xe tăng chủ lực Type-90 IIM của Trung Quốc). Mặc dù được quảng bá rộng rãi với tính năng chiến đấu đỉnh cao trong khi giá thành rẻ, nhưng ngoài Pakistan là nước đặt Trung Quốc phát triển, thì không có bất cứ một nước nào tỏ ra hứng thú với loại xe tăng này.

Trước đây Peru từng được coi là khách hàng tiềm năng, họ đã đặt vấn đề chính thức để mua loại xe tăng này, thậm chí Trung Quốc đã gửi trước cho Peru 5 chiếc để duyệt binh và thử nghiệm đánh giá. Sau khi xem xét cẩn thận, Peru phát hiện ra những xe tăng này đều phải dùng động cơ 6TD-2 và hệ thống truyền động do Ukraine sản xuất, không những vậy, hệ thống ngắm bắn và điều khiển hỏa lực của xe cũng không hề mạnh như quảng cáo, họ đã trả lại xe tăng và hủy hợp đồng với Trung Quốc.

Súng bắn tỉa chống tăng cỡ nòng 12,7mm Pugsley ra đời năm 1918.

Súng bắn tỉa chống tăng cỡ nòng 12,7mm Pugsley ra đời năm 1918.

Những tưởng loại xe tăng này vẫn phải chịu cảnh ế ẩm, thì dịp may đã đến khi hợp đồng xe tăng giữa Thái Lan và Ukraine đổ bể, vì hoàn cảnh nội chiến, khiến Ukraine không thể bàn giao xe tăng đúng tiến độ, và cũng chưa biết khi nào Thái Lan mới nhận đủ số xe tăng đã đặt mua. Đứng trước nan đề này, Thái Lan đã quyết định hủy bỏ thương vụ T-84 Oplot để tìm mua một loại xe tăng khác. Yêu cầu của Thái Lan là cần có hàng ngay trong khi giá phải rẻ, điều này chỉ có VT-4 mới lọt được vào vòng trong, ngoài ra Mỹ đã đặt lệnh hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, khiến nước này không thể mua được nhiều loại vũ khí chủ lực từ phương Tây.

Thái Lan đã kí các hợp đồng mua tổng cộng 49 xe tăng của Trung Quốc, 2 nước cũng dự định sẽ hợp tác xây dựng một cơ sở sửa chữa khí tài quân sự tại Thái Lan. Ngay khi hợp đồng được ký kết, chỉ trong vỏn vẹn 9 tháng, Trung Quốc đã giao ngay 28 chiếc của hợp đồng đầu tiên.