[Info] Vì sao tên lửa "hỏa ngục" Mỹ khiến 32 thường dân Afghanistan thiệt mạng

ANTD.VN - Vụ không kích sử dụng tên lửa bắn từ máy bay không người lái MQ-9 được Mỹ thực hiện khi tiến hành chiến dịch chống IS tại khu vực Wazir Tanghi, tỉnh Nangarha, Afghanistan khiến 32 người thiệt mạng và khoảng 40 người khác bị thương. 

Các quan chức quân sự Mỹ khẳng định cuộc không kích được tiến hành chỉ nhằm phá hủy nơi ẩn náu của các phần tử IS tại khu vực rậm rạp không có dân địa phương ở. Tuy nhiên thực tế khu rừng này lại là nơi người dân sống xung quanh thường xuyên tới thu hoạch hạt thông. Vụ tấn công nhầm khiến giới quan sát lên án Mỹ, trong khi đó Washington lại cho rằng họ tấn công nhầm do nhóm dân thường này đã bị phiến quân khủng bố IS lợi dụng.

"Phiến quân IS thỏa thuận với dân địa phương để giả dạng làm người thu hoạch hạt thông", một quan chức cấp cao của Mỹ ở Kabul nói ngày 20-9, đề cập tới vụ không kích nhầm của Mỹ xảy ra một ngày trước đó khiến ít nhất 32 dân thường thiệt mạng.

Tên lửa AGM -114 Hellfire

Tên lửa AGM -114 Hellfire

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hứa sẽ có các biện pháp ngăn chặn thương vong dân sự trong chiến dịch truy quét phiến quân IS ở quốc gia này. Các lực lượng vũ trang Afghanistan dưới sự hậu thuẫn của quân đội Mỹ thường mở các chiến dịch trên bộ và trên không chống lại các nhóm vũ trang Hồi giáo nhằm bảo vệ dân thường, các tòa nhà chính phủ, các điểm bầu cử và người nước ngoài.

Được biết Mỹ vẫn sử dụng các UAV chiến đấu MQ-9 để tấn công IS từ xa. Các UAV này sử dụng tên lửa AGM-114 Hellfire biệt danh "hỏa ngục". Mỗi chiếc MQ-9 có thể mang tới 16 quả trong một lần thực thi nhiệm vụ. 

Tên lửa AGM -114 Hellfire tấn công chính xác một chiếc xe hơi

Tên lửa AGM -114 Hellfire tấn công chính xác một chiếc xe hơi

Được đưa vào sử dụng năm 1984, AGM -114 Hellfire là một tên lửa cận âm không đối đất, đa nhiệm vụ, đa mục tiêu có thể được phóng đi từ 20 loại phương tiện chiến đấu khác nhau như tàu chiến, máy bay không người lái, xe chiến đấu...

AGM -114 Hellfire có hệ thống dẫn đường bằng laser và nổi bật về sức mạnh tấn công chính xác xe tăng, xe bọc thép, công trình, hầm hào. Nó cũng có thể chống lại máy bay trực thăng hoặc máy bay cánh cố định di chuyển chậm. 

Các tên lửa AGM - 114 Hellfire có khả năng đánh bại bất kỳ loại xe tăng nào trên thế giới hiện nay. Nó có thể được dẫn đường đến tiêu diệt mục tiêu từ bên trong máy bay hoặc bằng laser bên ngoài máy bay. Trong chiến tranh Iraq, loại tên lửa này là cơn ác mộng của xe tăng T-55, T72 của quân đội Iraq do Liên Xô sản xuất. 

AGM - 114 Hellfire có thể phá hủy lô cốt và cả tàu chiến. Hiện ngoài lắp đặt trên chiến đấu cơ, trực thăng, xe bọc thép, Mỹ còn đem loại vũ khí này trang bị cho các tàu chiến của mình.