[Info] Mỹ đòi xác UAV bị bắn rơi tại Libya

ANTD.VN - Mỹ cho rằng một khẩu đội phòng không Libya đã bắn nhầm máy bay không người lái của nước này và yêu cầu họ trả xác phi cơ.

"Tôi tin rằng kíp phòng không biết mục tiêu là máy bay không người lái (UAV) khi khai hỏa bắn hạ nó. Giờ họ đã biết nó thuộc về ai nhưng vẫn từ chối trả các mảnh vỡ. Họ nói không biết chúng ở đâu nhưng tôi không tin điều đó", Tư lệnh Bộ tư lệnh châu Phi (AFRICOM) của quân đội Mỹ Stephen Townsend cho biết cuối tuần trước.

Lầu Năm Góc thông báo mất một UAV MQ-9 trên vùng trời thủ đô Tripoli của Libya khi nó đang giám sát tình hình an ninh và hoạt động của các nhóm cực đoan trong khu vực hôm 21-11. Quân đội Quốc gia Libya (LNA) sau đó thừa nhận đã nhầm phi cơ này với UAV do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo được biên chế cho lực lượng dân quân thân Chính phủ Quốc gia Lybia (GNA).

Đánh giá sơ bộ của Mỹ kết luận khẩu đội phòng không được vận hành bởi các nhà thầu quân sự tư nhân của Nga hoặc binh sĩ LNA. Quan chức GNA cũng cáo buộc lính đánh thuê Nga phải chịu trách nhiệm cho vụ bắn rơi UAV.

Matxcơva bác bỏ liên quan tới sự việc và khẳng định không sử dụng lực lượng quân sự tư nhân tại chiến trường nước ngoài, cho rằng những công dân Nga tham chiến ngoài lãnh thổ đều là tự nguyện. Lực lượng LNA cũng phủ nhận có sự hỗ trợ từ nước ngoài.

Libya lâm vào nội chiến sau khi lãnh đạo Muammar al-Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Liên Hợp Quốc thành lập GNA năm 2015, trong khi lực lượng LNA đối lập do nguyên soái Khalifa Hafta chỉ huy hiện chiếm ưu thế và kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya.

Nội chiến Libya khiến Mỹ phải rút một nhóm nhỏ binh sĩ đang làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng địa phương chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm khủng bố al-Qaeda. Quân đội Mỹ cho biết đã tiêu diệt hơn 40 phiến quân IS trong các cuộc không kích tại Libya hơn một năm qua.

UAV MQ-9 thuộc biên chế AFRICOM

UAV MQ-9 thuộc biên chế AFRICOM

Ra đời từ năm 2001 và được sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2007. MQ-9 Reaper là chiếc máy bay không người lái trinh sát-tấn công hiện đại nhất thế giới tính đến thời điểm này. Hiện những máy bay không người lái này vẫn đang được không quân Mỹ sử dụng tích cực tại các điểm nóng trên thế giới có sự hiện diện của quân đội nước này. 

MQ-9 Reaper được điều khiển từ xa qua tín hiệu vệ tinh hoặc thông qua các trạm điều khiển mặt đất truyền thông tin nối tiếp nhau. Nó có khả năng bay liên tục 14 tiếng trên không, với 7 giá treo, có thể mang theo tới 14 tên lửa diệt tăng Hellfire, hoặc tên lửa đối không Stinger.

Với các sensor cảm biến quang điện tử radar, MQ-9 Reaper có thể tự động tìm kiếm phát hiện, theo dõi và dẫn đường chính xác cho tên lửa hoặc bom thông minh tiêu diệt mục tiêu.