ICBM của Nga có thể "đè bẹp" được hệ thống phòng thủ của NATO

ANTĐ - Truyền thông phương Tây phải thừa nhận rằng, Nga đã tìm được cách đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO hiện đang được xây dựng tại châu Âu.

Giữa tháng 12-2015, các trang mạng xã hội đưa tin về sự xuất hiện của một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên bờ đã được triển khai tại căn cứ không quân Deveselu của Romania – một trong những bộ phận không thể thiếu của cái gọi là “lá chắn tên lửa” của NATO tại châu Âu và một giai đoạn khác của cái mà nhà báo Đức Florian Rotzer gọi là “một cuộc chạy đua hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ”.

Với hệ thống cảnh báo sớm AN/TPY-2 được triển khai tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2011 và các tàu chiến của NATO được trang bị các tên lửa đánh chặn SM-3 tuần tra tại Địa Trung Hải, hầu hết các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa này đã đi vào hoạt động, trong khi một hệ thống Aegis trên bờ khác dự kiến sẽ được triển khai tại Ba Lan vào năm 2018, nhà báo Rotzer viết trên tạp chí Telepolis.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga

Các quan chức NATO vẫn khẳng định rằng, lá chắn tên lửa này không nhằm vào Nga, nhưng có nhiệm vụ bảo vệ châu Âu chống lại các tên lửa đạn đạo tầm xa được phóng từ khu vực Trung Đông, đặc biệt là từ Iran, nhưng những tuyên bố này có vẻ không thuyết phục được Moscow, ông cho biết.

“Nga cả những người nhẹ dạ nhất cũng phải thừa nhận rằng, Iran không thể được coi là mối đe dọa duy nhất đối với NATO, nhưng tất cả những tuyên bố về việc hệ thống phòng thủ tên lửa này được triển khai là nhằm vào Nga đều luôn bị phủ nhận”, nhà báo Rotzer nhấn mạnh.

Ông cho rằng, ngay khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Tên lửa chống đạn đạo năm 1972, Nga đã cảnh báo rằng họ có thể phát triển những tên lửa có khả năng đánh bại bất kỳ phương tiện đối phó nào mà Mỹ triển khai.

Cuối cùng, nhà báo Đức kết luận rằng, ngay cả khi hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO đi vào hoạt động thì các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Nga cũng có thể “đè bẹp” được chúng.