[ĐỒ HỌA] Khám phá tuần dương hạm cực mạnh Mỹ điều đến Biển Đông

ANTD.VN - Mỹ nói hoạt động của tàu USS Chancellorsville thuộc lớp tuần dương hạm cực mạnh Ticonderoga nhằm thực thi quyền tự do hàng hải, thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

"Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville hôm 26/11 di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa để thách thức yêu sách chủ quyền trên biển quá mức, cũng như duy trì quyền tiếp cận các vùng biển theo luật pháp quốc tế", CNN dẫn lời thiếu tá Nathan Christensen, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 29/11 cho biết.

Quan chức Lầu Năm Góc nói rằng chiếc Chancellorsville bị một tàu Trung Quốc bám theo, nhưng tất cả hoạt động đều an toàn và chuyên nghiệp. "Các lực lượng Mỹ hiện diện trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hàng ngày, trong đó có Biển Đông. Mọi hoạt động đều phù hợp với thông lệ quốc tế và chứng minh rằng Mỹ có thể điều tàu, máy bay tới bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", thiếu tá Christensen nói thêm.

Hai quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối về mặt ngoại giao sau cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ. Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải ở tất cả các vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như rất nhạy cảm với những nhiệm vụ tại Biển Đông bởi tàu, máy bay Mỹ thường hoạt động quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa trái phép. 

Mỹ hồi cuối tháng 9-2018 cũng điều tàu khu trục USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Washington cáo buộc tàu khu trục lớp Type-052C của Bắc Kinh đã tiếp cận USS Decatur theo cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp tại khu vực gần đá Ga Ven.

Theo số liệu thống kê của Lầu Năm Góc, hải quân Mỹ đã có 18 cuộc chạm trán không an toàn với các lực lượng Trung Quốc ở Thái Bình Dương từ năm 2016.

Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.

Quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua căng thẳng vì hàng loạt vấn đề như cuộc chiến thương mại, vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Tuần dương hạm của Mỹ

Tuần dương hạm của Mỹ

Hiện nay, Hải quân Mỹ chỉ có một lớp tàu tuần dương duy nhất là Ticonderoga. Lớp tàu này bắt đầu được đóng từ năm 1980 - 1994 và được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ chính là hộ tống biên đội tàu sân bay.

Ngoài ra đây cũng là lớp tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống Aegis với các radar mảng pha AN/SPY-1 lắp vào phần thượng tầng. Việc hệ thống Aegis cùng radar AN/SPY-1 hoàn thành thiết kế ngay khi Mỹ bắt đầu đặt ky những tàu lớp Ticonderoga đầu tiên đã giúp chuyển đổi chức năng ban đầu của tàu từ khu trục hạm (DDG) thành tuần dương hạm (CG).

Việc lắp trực tiếp radar vào thượng tầng được coi như một bước tiến vượt bậc của Hải quân Mỹ vào thời điểm đó (cần biết là khoảng vài năm trở lại đây thì Hải quân nhiều quốc gia trên thế giới mới bắt đầu áp dụng việc lắp radar mảng pha vào phần thượng tầng). Ngoài radar AN/SPY-1, tuần dương hạm lớp Ticonderoga còn được trang bị nhiều loại radar khác như radar cảnh giới đường không AN/SPS-49, radar kiểm soát hỏa lực AN/SPG-62.

Cùng xem thông số chi tiết tuần dương hạm này qua infographic dưới đây.