Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Đặc công Hải quân (13-4-1966 /13-4-2016)

Đặc công Hải quân - lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ

ANTĐ - Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Đặc công Hải quân đã lập nên nhiều chiến công, hai lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, xứng đáng là lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ trên chiến trường sông, biển.

Cách đây 50 năm, từ ý tưởng xây dựng một lực lượng “ít mà tinh”, với lối đánh đặc biệt, phù hợp thực tế chiến trường, sau một thời gian tổ chức thí điểm và đánh thực nghiệm thành công, ngày 13-4-1966, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn Huấn luyện trinh sát Đặc công Hải quân 126 (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) trực thuộc Quân chủng Hải quân. Sự kiện này mở ra một thời kỳ chiến đấu huy hoàng của Hải quân nhân dân Việt Nam, mà trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126.

Đặc công Hải quân luyện tập vượt vật cản. Ảnh: Cao Dân.

Ra đời trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, Đặc công Hải quân vừa xây dựng, vừa chiến đấu và trưởng thành nhanh chóng. Mười năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, được sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, Đặc công Hải quân đã lập nên những chiến công huyền thoại. Bằng nghệ thuật tác chiến độc đáo, táo bạo, hiệu quả, Đặc công Hải quân đã đánh hơn 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng hơn 300 tàu thuyền, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, phương tiện chiến tranh của chúng.

Đặc công Hải quân còn huấn luyện hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ đặc công nước ưu tú để chi viện cho các chiến trường miền Nam. Sự xuất hiện của Đặc công Hải quân ở Bắc Quảng Trị những năm 1966-1973 là nỗi kinh hoàng đối với quân Mỹ-ngụy. Có những trận đánh của Đặc công Hải quân được ví như “Bạch Đằng giang trên sông Hiếu”. Nhiều chiến sĩ Đặc công Hải quân được nhân dân và đồng đội tặng danh hiệu “Yết Kiêu thời đại Bác Hồ”, “Cá kình Biển Đông”...

Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đặc công Hải quân được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ phối hợp với Quân khu 5 tiến công giải phóng các đảo ven bờ và quần đảo Trường Sa. Việc chớp thời cơ giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975 là chiến công có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng.

Nhờ giải phóng được Trường Sa, nên ngày nay chúng ta mới có thế đứng vững chắc trên vùng biển, đảo chiến lược này. Tiếp đó, trong chiến dịch biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, Đặc công Hải quân cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đặc công Hải quân tiếp tục phát triển, trưởng thành. Cùng với các lực lượng trong quân chủng, Đặc công Hải quân được xây dựng chính quy, hiện đại. Tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị từng bước được bổ sung, hoàn thiện; chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu không ngừng nâng lên; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời sẵn sàng tham gia giải quyết một số nhiệm vụ, nhằm đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên gần đây.

Trong quá trình xây dựng, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng Đặc công Hải quân, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, kế thừa và phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới.

Nhờ đó, Đặc công Hải quân không ngừng phát triển, trưởng thành từ không đến có, từ hoạt động chủ yếu ở Cửa Việt - Đông Hà đến mở rộng vào cửa Thuận An - Huế, ra tới Trường Sa và biên giới Tây Nam; từ đánh tàu neo đậu đến đánh tàu cơ động, căn cứ, cầu đường và kho tàng; từ đánh trong sông, trong cảng, vươn ra đánh các mục tiêu ven biển và xa bờ; từ độc lập tác chiến tổ, nhóm đến hiệp đồng tác chiến trên mọi hướng, với nhiều lực lượng khác trong các chiến dịch lớn...

Càng chiến đấu, Đặc công Hải quân càng khẳng định là lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ, thiện chiến, có thể đảm nhiệm được nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nghệ thuật tác chiến độc đáo, táo bạo của Đặc công Hải quân đã góp phần bổ sung và làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Hiện nay và trong tương lai, dù phương thức tác chiến có phải chịu sự tác động và chi phối của vũ khí công nghệ cao thì vai trò của các lực lượng tác chiến độc lập, trang bị gọn nhẹ như Đặc công Hải quân vẫn luôn được đánh giá cao. Đặc công Hải quân vẫn là lực lượng tác chiến quan trọng, nòng cốt của Quân chủng Hải quân, có thể độc lập, hoặc hiệp đồng tác chiến để giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Trước sự thay đổi của tình hình, nhiệm vụ, sự vận động, phát triển không ngừng của vũ khí, trang bị và lý luận nghệ thuật tác chiến, Đặc công Hải quân sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những bài học trong lịch sử để tổ chức xây dựng và sử dụng lực lượng cho phù hợp với từng nhiệm vụ và tình huống cụ thể.

Trước hết, Đặc công Hải quân phải là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ về bản lĩnh chính trị và ý chí chiến đấu. Bởi vì, Đặc công Hải quân hoạt động tác chiến trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt; bộ đội thường phải độc lập tác chiến dài ngày, xa sự lãnh đạo, chỉ huy, luôn trực tiếp giáp mặt với kẻ thù. Nếu không có bản lĩnh vững vàng, không có ý chí chiến đấu cao thì khó có thể nhận và hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Đặc công Hải quân phải luôn quan tâm, tìm mọi biện pháp để giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bộ đội về bản lĩnh chính trị, phẩm chất trung thành, lòng gan dạ dũng cảm trong chiến đấu. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải luôn đi trước một bước và phải thực sự sâu sát với đời sống chiến sĩ, tạo hiệu quả cao.

Trên cơ sở bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, Đặc công Hải quân phải huấn luyện đạt đến trình độ đặc biệt tinh nhuệ trên chiến trường sông, biển. Bộ đội Đặc công Hải quân phải: “Bơi lặn giỏi, võ giỏi, bắn giỏi, tác chiến giỏi, giỏi chịu đựng khó khăn gian khổ, giỏi chấp hành kỷ luật”.

Cán bộ, chiến sĩ phải thuần thục về chiến thuật, điêu luyện về kỹ thuật chiến đấu, luôn làm chủ và phát huy hiệu quả các loại vũ khí trang bị. Tăng cường huấn luyện hiệp đồng với tàu mặt nước, tàu ngầm và không quân. Huấn luyện sát thực tế chiến trường, vừa huấn luyện, vừa kiểm nghiệm, bổ sung phương án tác chiến. Coi trọng huấn luyện thể lực, rèn luyện sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai cho bộ đội trên sông, trên biển. Kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, ý thức chấp hành mệnh lệnh, kỷ luật chiến trường.

Trong chiến tranh giải phóng, Đặc công Hải quân đã sáng tạo ra rất nhiều cách đánh độc đáo, táo bạo, bất ngờ, hiệu quả cao. Cách thức tổ chức sử dụng lực lượng và bảo đảm chiến đấu cho Đặc công Hải quân cũng rất khoa học, hợp lý.

Đây là những kinh nghiệm quý, có giá trị vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cần tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, phát triển cách đánh mới và các phương thức bảo đảm cho Đặc công Hải quân khi hoạt động ở các vùng biển, đảo xa bờ, hoặc khi làm nhiệm vụ đặc biệt.

Kết hợp với tìm hiểu, học tập, chắt lọc kinh nghiệm của các lực lượng đặc nhiệm trên thế giới. Đồng thời phải nghiên cứu hoàn thiện tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị cho phù hợp với nhiệm vụ và cách đánh, bảo đảm Đặc công Hải quân luôn “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt”, có thể độc lập tác chiến hoặc hiệp đồng tác chiến hiệu quả với nhiều lực lượng khác nhau. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đặc công là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt”. Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đặc công Hải quân phải không ngừng học tập, rèn luyện, xứng đáng là lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ trên chiến trường sông biển, tô thắm thêm truyền thống: “Anh dũng mưu trí; khắc phục khó khăn; đoàn kết lập công; chiến thắng liên tục”.

Bài viết của Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam (Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân)