Toàn cảnh Mỹ-Anh-Pháp tấn công vào Syria (1):

Cuộc đấu khốc liệt của tên lửa hành trình Mỹ và phòng không Syria

ANTD.VN - Trong khi Nga thông báo Syria diệt 71/103 tên lửa hành trình Tomahawk, SCALP-EG, Storm Shadow, AGM-158 JASSM-ER của liên quân phương Tây thì Mỹ tuyên bố phóng 105 quả, trúng đích 100%. Sự thật là gì? Và dù sự thật có thế nào thì người dân Syria cũng đang phải gánh chịu hậu quả thảm khốc từ chiến tranh. 

Tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay Mỹ và Anh, Pháp đã tấn công tên lửa hành trình vào Syria

Mỹ - Anh - Pháp sử dụng nhiều loại tên lửa, phương tiện phóng, tấn công từ nhiều hướng, tuyên bố thành công 100%

Rạng sáng 14-4-2018 vừa qua, liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã mở cuộc tấn công bắng tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển vào Syria. Theo Lầu Năm Góc, mục đích của đòn tấn công là nhằm phá hủy khả năng sản xuất vũ khí hóa học của Syria.

Mỹ-Anh-Pháp đã lấy cớ đáp trả những cáo buộc của phe đối lập và phương Tây về việc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nghi sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, khu vực Đông Ghouta, ngoại ô Damascus, khiến từ 50-70 người thiệt mạng.

Theo đó, liên quân Mỹ tuyên bố tấn công vào 3 mục tiêu là một trung tâm nghiên cứu (Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzeh, ngoại ô Damascus), một cơ sở sản xuất và một kho chứa vũ khí hóa học đều ở Him Shinshar, thuộc tỉnh Homs, của Syria.

Trung tướng Kenneth F. McKenzie tuyên bố, Liên quân đã phóng tổng cộng 105 quả tên lửa hành trình từ trên biển vào trên không vào các mục tiêu này. Trong số này tên lửa Tomahawk vẫn chiếm số lượng lớn nhất với 66 quả, tên lửa SCALP-EG và Storm Shadow là 20 quả và cuối cùng là 19 quả tên lửa AGM-158 JASSM-ER.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzeh được cho là bị tổng cộng 76 quả tên lửa đánh trúng, trong đó có 57 quả Tomahawk, 19 quả JASSM-ER

Hướng tấn công từ Biển Đỏ bao gồm 2 tàu: Tuần dương hạm lớp Ticonderoga USS Monterey phóng 30 tên lửa Tomahawk; khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Laboon phóng 7 tên lửa Tomahawk.

Mũi tấn công từ phía Bắc vịnh Ả Rập: Khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Higgins phóng 23 tên lửa Tomahawk.

Từ đông Địa Trung Hải có tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng lớp Virginia USS John Warner phóng 6 tên lửa Tomahawk; Khu trục hạm lớp Aquitaine của Pháp phóng 3 tên lửa hành trình SCALP.

Từ trên không: 02 máy bay ném bom B-1B Lancer phóng 19 quả tên lửa hành trình AGM-158 JASSM-ER; 04 máy bay Tornado của Anh phóng 8 tên lửa Storm Shadow; tiêm kích Rafale của Pháp phóng 5 quả tên lửa SCALP-EG và tiêm kích Mirage phóng 4 quả SCALP-EG.

Kết quả trận đánh cho thấy, Mỹ và đồng minh Anh-Pháp đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tiêu diệt khả năng sản xuất vũ khí hóa học của Syria. Cụ thể phân bổ số lượng tên lửa tấn công vào các mục tiêu như sau:

2 mục tiêu ở Him Shinshar bị tấn công bởi 29 tên lửa, gồm 9 tên lửa Tomahawk của Mỹ, 8 tên lửa Storm Shadow của Anh, 12 tên lửa SCALP của Pháp

- Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzeh (thực chất là Trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa học Barzah) bị tổng cộng 76 quả tên lửa đánh trúng, trong đó có 57 quả tên lửa hành trình Tomahawk, 19 quả còn lại là tên lửa không đối đất tấn công từ ngoài vùng phòng không của đối phương (JASSM-ER), phóng từ 2 chiếc máy bay ném bom tầm xa B-1B. Mục tiêu đã bị hủy diệt hoàn toàn.

- Cơ sở hạ tầng khu cất chứa vũ khí hóa học Him Shinshar, phía Tây tỉnh Homs bị bắn 22 quả tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp. Gồm có 9 tên lửa Tomahawk của Mỹ, 8 tên lửa Storm Shadow của chiến đấu cơ Tornado Anh, 5 tên lửa hành trình tấn công mặt đất SCALP EG của Pháp.

- Cơ sở sản xuất vũ khí hóa học cũng ở Him Shinshar bị tấn công bởi 7 quả tên lửa hành trình SCALP trên chiến đấu cơ Mirage và Rafale của Pháp, với kết quả trúng đích hoàn toàn.

Syria sử dụng tên lửa Liên Xô sản xuất từ 30 năm trước, bắn hạ 71/103 tên lửa Mỹ-Anh-Pháp

Ngay sau vụ tấn công của tên lửa Mỹ-Anh-Pháp, giới truyền thông Syria đưa tin rằng, các lực lượng phòng không nước này đã tiêu diệt được khoảng hơn 20 quả tên lửa hành trình các loại.

Chiến đấu cơ Tornado của Anh tấn công Syria bằng tên lửa Storm Shadow

Các mục tiêu chính bị Liên quân phương Tây tấn công bao gồm: Trụ sở Vệ binh Cộng hòa (Damascus), cơ sở phòng không Kasjoon (Damascus), sân bay Mezza (Damascus), sân bay Ad Dumeir (Đông Ghouta), trung tâm khoa học và quân sự ở Barzeh (vùng Damascus), trụ sở của Trung tâm Khoa học ở Jamraya ở ngoại ô thành phố Damascus, Tiểu đoàn đặc nhiệm 41 (ngoại ô Damascus), các đơn vị quân đội ở Qalamoun (ngoại ô phía Bắc của Damascus), cơ sở quân sự ở Kiswa (vùng ngoại ô của Damascus) và kho quân sự ở Homs.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã công bố chi tiết về kết quả chiến dịch phòng không, phòng thủ tên lửa của Syria, cải chính lại một số thông tin không chính xác. Theo đó, phòng không Syria đã bắn hạ tổng cộng 71 trong số 103 quả tên lửa của Mỹ và đồng minh (vênh với Mỹ 2 quả). Cụ thể:

- 4 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quốc tế Damascus: Tất cả bị tiêu diệt.

- 12 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Al-Dumayr: Tất cả bị tiêu diệt.

Chiến đấu cơ Rafale của Quân đội Pháp đã giáng tên lửa SCALP vào Syria

- 18 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Baly: Tất cả bị tiêu diệt.

- 12 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Shayarat: Tất cả bị tiêu diệt.

- 9 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Mezzeh: 5 quả bị tiêu diệt.

- 16 quả tên lửa phóng vào khu vực sân bay quân sự Homs: 13 quả bị tiêu diệt.

- 30 quả tên lửa phóng vào Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzeh và Trung tâm Khoa học Jamraya, đều ở ngoại ô thành phố Damascus: 7 quả bị tiêu diệt.

Ngày 17-4, quân đội Nga đã công bố báo cáo chính thức về vụ tấn công Syria bằng tên lửa rạng sáng 14-4 của liên quân Mỹ-Anh-Pháp, trong đó liệt kê chi tiết thành tích chiến đấu của các hệ thống phòng không Syria.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, để chống trả và đẩy lùi cuộc tấn công tên lửa của liên quân 3 nước mạnh nhất trong khối NATO, Syria đã huy động các phương tiện phòng không như cũ kỹ thời Liên Xô, sản xuất cách đây đã 3 thập niên như tổ hợp S-125 Neva/Pechora, S-200 Angara, Buk-M1 và Kvadrat để bắn hạ 71 tên lửa hành trình Mỹ-Anh-Pháp.

Máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ phóng tên lửa AGM-158 JASSM-ER vào Syria

Theo báo cáo này, lực lượng phòng không Syria đã huy động một loạt hệ thống phòng không như Pantsir-S1, Buk-M2, Kub, Strela-10, Osa, S-125 và S-200. Quân đội Syria trong hơn 1 giờ tác chiến đã phóng 112 tên lửa đất đối không (SAM), tạo thành một lưới lửa phòng không hiệu quả.

Cụ thể, Syria phóng 25 tên lửa Pantsir-S1 thì 23 quả trúng mục tiêu; 29 tên lửa Buk-M2, hạ 24 mục tiêu; 21 tên lửa Kub, diệt 11 mục tiêu; 5 tên lửa Strela chỉ có 2 quả bắn chệch; 11 tên lửa Osa diệt được 5 quả; 13 tên lửa S-125 chỉ hạ 5 tên lửa; còn 8 quả tên lửa S-200 lại không bắn trúng quả tên lửa hành trình nào.

Như vậy, theo báo cáo trên, phòng không Syria đã bắn tổng cộng 112 quả đạn tên lửa các loại và bắn hạ 71/103 tên lửa liên quân Mỹ-Pháp-Anh, đạt tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu lên tới 69%, tỷ lệ tên lửa đánh chặn thành công lên tới 63%.

Đây là con số cực kỳ ấn tượng đối với một quốc gia trước nay được coi là có hệ thống phòng không không mạnh, thường xuyên bị Israel không kích. Nếu con số này được chứng minh, Syria mới thực sự là nước có hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới, lần đầu tiên có một quốc gia chống trả vụ tấn công bằng tên lửa hành trình thành công đến thế.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria

Báo cáo cũng giải thích nguyên nhân hệ thống tên lửa phòng không S-200 huyền thoại lại bắn trượt tất cả các mục tiêu. Theo đó, đây là loại tên lửa được thiết kế để đánh chặn các khí tài bay tầm cao, chứ không phải để tiêu diệt các tên lửa hành trình bay tầm thấp.

Sự đối lập trong những báo cáo của Nga và Mỹ khiến người ta như lạc vào một “ma trận thông tin” không biết ai đúng ai sai. Trong thực tế, trừ những cuộc chiến tranh có kết cục rõ ràng, còn lại hai bên tham chiến đều tìm cách tâng bốc các chiến quả của mình và hạ thấp uy thế của đối thủ.

Tỷ lệ bắn trúng mục tiêu 100% của Mỹ là con số lí tưởng và rất phi thực tế, còn xác suất đánh chặn tới 69% của Nga cũng là con số rất đáng ngờ. Tuy nhiên, có một điểm chắc chắn có thể khẳng định rằng, tên lửa Mỹ đã bị bắn hạ và Syria cũng đã thiệt hại khá nặng. Quan trọng hơn, người dân Syria đã phải hứng chịu những thảm cảnh từ vụ tấn công.

Các khu trục hạm và tuần dương hạm Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria

Nga và Syria cũng đã trưng ra một số video thực tế bắn cháy tên lửa hành trình ngay trên đường bay và trên mạng xã hội cũng xuất hiện những bức ảnh về các mảnh vỡ tên lửa Tomahawk Mỹ.

Bộ quốc phòng Mỹ cũng đã công bố hình ảnh vệ tinh của mình và công ty DigitalGlobe cũng đưa ra bằng chứng cho thấy, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzeh, khu chế xuất và khu kho lưu trữ vũ khí hóa học Him Shinshar đã bị tên lửa Mỹ đánh cho tan nát.

Như vậy, chắc chắn là hai bên đã có những thiệt hại nhất định, còn chính xác nó là bao nhiêu thì chỉ người trong cuộc mới có thể biết được. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán dựa trên sự so sánh lực lượng, phương tiện tấn công-phòng thủ, các lực lượng bảo đảm tác chiến, kinh nghiệm chiến đấu… Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.