Các loại vũ khí Nga đang "tung hoành" khắp thế giới

ANTĐ - Các chuyên gia quân sự đã điểm tên các nước mua sắm và liệt kê danh mục các đơn đặt hàng vũ khí của Nga, giúp Moscow chiếm vị trí thứ 2 trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới,  

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa tuyên bố rằng, Nga đang đứng thứ hai trên thế giới về giao dịch thương mại vũ khí và phải nỗ lực giữ vững giữ vị trí này, bởi kim ngạch xuất khẩu vũ khí là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách nước này.

Trong năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga lên tới 15,2 tỷ USD. Năm nay, trong danh mục vũ khí mà Moscow sẽ cung cấp cho các đối tác nước ngoài có rất nhiều loại vũ khí và kỹ thuật quân sự, từ vũ khí bộ binh và tàu chiến cho đến các hệ thống phòng không.

Kênh truyền hình Ngôi Sao của quân đội Nga đã mời các chuyên gia quân sự tham gia bình luận về vấn đề này, trong đó tập trung giải mã câu hỏi: Ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã xuất khẩu những hệ thống vũ khí gì và cho những nước nào?

Trước hết, Tổng biên tập của tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" Andrey Frolov lưu ý rằng, theo dự kiến, Nga sẽ xuất khẩu nhiều loại kỹ thuật quân sự và vũ khí lục quân, cho các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS/SNG, tức các quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ).

Ví dụ, Nga đã ký hợp đồng với Armenia về cung cấp các loại thiết bị quân sự trị giá 300 triệu USD, trong khi vẫn bán xe tăng, thiết giáp cho Azerbaijan. Ngoài ra, Kyrgyzstan và Tajikistan sẽ nhận được các xe bọc thép và vũ khí bộ binh từ kho hàng dự trữ của Bộ Quốc phòng Nga.

Hiện xe bọc thép của Nga đang có nhu cầu lớn ở thị trường nước ngoài. Tổng biên tập báo "Người đưa tin công nghiệp quốc phòng" Mikhail Khodarenok nêu ví dụ về loại xe tăng bán chạy nhất thế giới là T-90, với hàng ngàn chiếc đã được sản xuất.

Hiện nay, các chuyên gia nước ngoài rất quan tâm đến mẫu xe tăng tiên tiến nhất, được phát triển trên nền tảng khung gầm Armata là T-14 và các phiên bản xe chiến đấu bộ binh, xe vận chuyển quân thế hệ mới cũng được phát triển trên khung gầm này.

Nga đang chiếm vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu vũ khí (sau Mỹ)

Ngoài ra, theo tướng Vyacheslav Khalitov - Phó giám đốc của nhà máy chế tạo cơ giới Uralvagonzavod, xí nghiệp này đang cung cấp dịch vụ đại tu và hiện đại hóa xe tăng T-72 để chiến đấu trong môi trường đô thị và có thể trang bị cho cả lực lượng đổ bộ đường không.

Theo truyền thống từ thời Liên Xô, các loại máy bay vẫn chiếm thị phần lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga.

Theo Tổng biên tập của tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" Andrey Frolov, năm nay Nga bắt đầu cung cấp máy bay trực thăng Mi-28 cho Algeria và sẽ tiếp tục chuyển giao thêm Mi-28 và Mi-35 cho Iraq, Serbia cũng sẽ nhận được những máy bay trực thăng đã đặt mua.

Máy bay trực thăng tấn công trên hạm tối tân nhất thế giới là Ka-52 sẽ được cung cấp cho Ai Cập để trang bị trên 2 tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral do Pháp sản xuất cho Nga trước đây, nhưng không chuyển giao do lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, sau đó Paris đã bán lại cho Cairo.

Bangladesh và Belarus đã nhận được các máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130, đồng thời loại máy bay này tiếp tục nhận thêm những mối quan tâm từ các nước khác, hứa hẹn tương lai xuất khẩu tiềm tàng.

Trong năm 2016, những chiếc máy bay chiến đấu Su-30 - một trong những loại máy bay chiến đấu phổ biến nhất trên thị trường quốc tế, sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ và Việt Nam. Một số hợp đồng mua loại máy bay này cũng sẽ được ký kết.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 đáng nhận được nhiều sự quan tâm

Tuy Su-30 vẫn tiếp tục được đặt mua nhưng trong thời gian tới sẽ có thêm phiên bản xuất khẩu hiện đại nhất của Su-35. Năm 2015, Trung Quốc đã ký hợp đồng với Nga về cung cấp các máy bay chiến đấu đa năng Su-35 và Bắc Kinh còn hào phóng chi ngay tiền đặt cọc.

Đứng  thứ hai trong danh mục vũ khí xuất khẩu của Nga là các hệ thống tên lửa phòng không và thiết bị hải quân. Ví dụ, lô hàng đầu tiên thiết bị theo hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga đã tới Iran. Sư đoàn S-300PS bắt đầu thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu tại Belarus.

Trong thời gian tới, Nga sẽ gia tăng khối lượng xuất khẩu hệ thống phòng không tiên tiến nhất là S-400. Như dự kiến, Trung Quốc sẽ trang bị hai trung đoàn S-400 và Ấn Độ cũng sẽ ký hợp đồng từ 6-8 tỷ USD để mua loại vũ khí phòng không này.

Một trong những sự kiện lớn trong năm nay sẽ là lễ chuyển giao cho Algeria chiếc tàu ngầm diesel-điện đầu tiên thuộc Project 636, lớp Warshavyanka (NATO gọi là Kilo). Còn hải quân Kazakhstan sẽ nhận chiếc tàu quét mìn thuộc Dự án 1265.

Nga cũng đang tiếp tục thực hiện hợp đồng cung cấp tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 Project 11661 cho Việt Nam. Hiện hai chiếc tàu thuộc cặp thứ 2 đang được lắp dặt thiết bị, sau đó chạy thử nghiệm và sẽ được chuyển giao cho khách hàng trong năm 2017-2018.

Ngoài ra, trên thị trường thế giới cũng đang có sự quan tâm nhất định đến tàu ngầm đáng gờm lớp Kilo, vừa thể hiện khả năng tấn công mặt đất xa hàng nghìn km trên chiến trường Syria, cũng như về tàu ngầm trang bị hệ thống động lực AIP thuộc Project 677, lớp Lada.