"Bóng ma" F-35I và vị thế số 1 Trung Đông của Israel sau vụ hủy diệt S-300 Nga

ANTD.VN - Giới truyền thông đang rộ lên một luận điểm về việc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 của Israel là F-35I đã hủy diệt một hệ thống phòng không S-300 và Pantsir-S1 Nga ở Syria.

Israel được Mỹ ưu tiên số 1 trong các đồng minh mua sắm F-35

Theo giới truyền thông phương Tây, thông tin về cuộc không kích chớp nhoáng của các chiến đấu cơ F-35I vào các mục tiêu ở thủ đô Damascus của Syria hôm 12/1 và 29/4 vừa qua, đã được trang The Aviationist dẫn nguồn tin từ Không quân Israel (IAF) xác nhận.

Đặc biệt là trong cuộc không kích ngày 12/1, các tiêm kích tàng hình F-35I của Israel đã phá hủy một bệ phóng tên lửa phòng không S-300 của Nga ở khu vực gần dinh thự Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thuộc vùng núi Qassioun và một hệ thống Pantsir S-1 ở sân bay Mezzeh.

Đây được coi là những lần thực chiến đầu tiên của dòng máy bay F-35, bởi Israel chính là đồng minh đầu tiên của Mỹ được ưu đãi bàn giao những máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của Mỹ đầu tiên (phiên bản Israel với các tùy chọn khác với nguyên bản của Mỹ, được gọi là F-35I Adir).

Hai máy bay chiến đấu F-35I Adir đầu tiên của lực lượng không quân Israel (IAF) là AS-1 (số hiệu 901) và AS-2 (số hiệu 902) đã đến căn cứ không quân Nevatim vào ngày 12/12/2016, để biên chế cho phi đội 140 Golden Eagle, trước đây sở hữu các chiến đấu cơ thế hệ 4 là F-16A/B.

Trong một buổi lễ chính thức sau khi hạ cánh, những chiếc F-35I này đã nhận được ký hiệu quốc gia “Ngôi sao David” (hay còn gọi là “tấm khiên David”), là một biểu tượng cổ xưa của người Do Thái, với hình ngôi sao 6 cánh do 2 hình tam giác lồng vào nhau, tượng trưng cho tôn giáo, sự đoàn kết và sức mạnh của người Do Thái để “chiến thắng mọi thế lực thù địch đen tối”.

Chiếc F-35I đầu tiên là AS-1 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên tại Khu Liên hợp Hàng không Hải quân thuộc Căn cứ Fort Worth - bang Texas, vào ngày 25 tháng 7 năm 2016. Chiếc máy bay thứ hai, AS-2, cũng có chuyến bay đầu tiên vào ngày 8 tháng 8 năm 2016.

Sau khi hoàn tất các thử nghiệm ở Mỹ, hai chiếc F-35 bay từ Mỹ tới Nevatim, qua không phận Lajes ở Azores và Cameri của Italia, nhưng sự xuất hiện của chúng ở Israel đã bị trì hoãn khoảng 24 tiếng do sương mù dày đặc ở Italia và các quy tắc an toàn của Mỹ.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35I Israel đã có cơ hội thực chiến ở Syria?

Cũng theo những nguồn tin này, không quân Israel vừa nhận thêm 3 tiêm kích tàng hình F-35I từ Mỹ vào hôm 21/4, nâng tổng số máy bay chiến đấu thế hệ 5 được mệnh danh là những “bóng ma trên bầu trời”, mà Israel hiện đang sở hữu lên con số 5 chiếc.

Israel đặt mua số lượng lớn F-35A

Cho đến nay, Israel đã đặt mua tổng cộng 50 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5, phiên bản cất - hạ cánh trên đường băng thông thường (CTOL) F-35A của Mỹ, thông qua chương trình “Bán trang bị quân sự cho nước ngoài” (Foreign Military Sale -  FMS) của chính phủ Hoa Kỳ.

19 chiếc F-35 đầu tiên được đặt mua vào năm 2010 với chi phí 2,7 tỷ USD. Trong đó, hai chiếc F-35 đầu tiên là một phần của lô hàng thứ tám của máy bay sản xuất ban đầu tốc độ thấp. Việc phân phối 19 chiếc máy bay trong lô này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.

Vào tháng 11 năm 2014, Israel đã tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 14 chiếc F-35I Adir, trong đó các máy bay sẽ có 17 tùy chọn thiết kế khác so với phiên bản F-35A của Mỹ, trong một thỏa thuận trị giá khoảng 2,8 tỷ dollars.

Việc chuyển giao lô hàng thứ hai sẽ diễn ra từ năm 2019 đến năm 2021, sau đó 13 chiếc trong số đó sẽ được biên chế về cho phi đội số hai, một chiếc sẽ sử dụng để tiến hành các thử nghiệm cho không quân Israel.

Để sở hữu tổng cộng 50 chiếc máy bay F-35I, đủ để triển khai hai phi đội Adir (mỗi phi đội có ít nhất 24 máy bay), Israel tiếp tục triển khai gói mua sắm thứ 3 gồm 17 chiếc tùy chọn vào tháng 11/2016. Thỏa thuận này chưa được tiết lộ cụ thể nhưng có thể sẽ tốn hơn 2,5 tỷ USD.

Ngoài 50 chiếc F-35 hiện đã ký hợp đồng, Quốc hội Hoa Kỳ đã chấp thuận cho phép chính quyền có thể tiếp tục bán thêm cho Israel 75 chiếc F-35A nữa. Không những thế, Israel còn được phép tham gia vào quá trình chế tạo máy bay và đưa vào các hệ thống riêng của mình.

F-35I của Israel có khá nhiều khác biệt so với F-35A của Mỹ

Sự khác biệt giữa phiên bản F-35A và F-35I

Không chỉ được ưu tiên nhận F-35I đầu tiên từ tháng 12/2016, các công ty quốc phòng của Israel như hãng công nghệ hàng không Israel Aerospace Industries (IAI) hay liên doanh Elbit Systems-Cyclone còn được tham gia vào công đoạn sản xuất thân và cánh máy bay.

Ngoài ra, Israel cũng được phép sửa đổi thiết kế, tích hợp hệ thống theo ý định tác chiến và tiêu chuẩn không quân nước mình, một biệt lệ mà từ trước đến nay chưa có đồng minh nào của Mỹ được hưởng.

Cụ thể, Israel đã cài đặt các hệ thống chỉ huy, kiểm soát; hệ thống liên kết dữ liệu, thông tin liên lạ và các hệ thống chiến tranh điện tử; hệ thống điều khiển hỏa lực... của mình lên chiếc F-35A của Mỹ, tương thích với các hệ thống đang sử dụng trong IAF.

Với những yêu cầu này, Israel đã biến chiếc F-35A thành phiên bản F-35I riêng của mình, có khả năng sử dụng các vũ khí do nước này tự nghiên cứu chế tạo, ví dụ như bom dẫn đường chính xác Spice-1000 hay các tên lửa không đối không Python-5 và Python-6.

Tuy nhiên, F-35I vẫn có thể sử dụng tất cả các vũ khí của Mỹ như các loại tên lửa không đối không, không đối đất hay các loại bom Mỹ, khiến khả năng tác chiến của nó còn da dạng hơn so với nguyên bản F-35A.

Việc Israel nhanh chóng được Mỹ cung cấp các máy bay F-35A và những ưu đãi trong sửa đổi cấu hình thiết kế và hệ thống của nó cho thấy sự ưu tiên của Washington đối với đồng minh thân thiết, nhằm giúp Tel Avip xây dựng lực lượng không quân hùng mạnh nhất Trung Đông, đủ sức áp chế các đối thủ khó chịu như Iran, Syria…