Bị phương Tây phản đối, Trung Quốc chật vật với các hợp đồng bán vũ khí

ANTĐ - Theo tạp chí Sina Military Network, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn tại thị trường vũ khí thế giới do sự cạnh tranh và phản đối từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Bất chấp việc vượt qua Đức để trở thành nhà xuất khẩu quốc phòng lớn thứ 3 trên thế giới, Trung Quốc vẫn gặp vấn đề trong việc chốt các thoả thuận xuất khẩu vũ khí.

Thái Lan đã đồng ý mua các tàu ngầm S-26T của Trung Quốc từ hồi tháng 6-2015 trị giá 1 tỉ USD, tuy nhiên, thoả thuận này bỗng nhiên bị đình chỉ vô thời hạn vào tháng 7 sau đó. Nguyên nhân đưa ra là do Bangkok cần cân nhắc lại về sự cần thiết của của hạm đội tàu ngầm mới, nhưng cũng có nhiều tin đồn cho rằng, Mỹ đã can thiệp vào quyết định của Thái Lan.

Trung Quốc gặp khó khăn trong việc bán vũ khí do phải chịu sự phản đối của phương Tây

Huang Dong, chủ tịch của Viện quân sự quốc tế Macau, đã nhận định với tờ Ming Pao của Hong Kong rằng, Trung Quốc đang muốn tìm khách hàng cho tàu ngầm S-20, phiên bản xuất khẩu của Type 039A, tuy nhiên, hiện chưa có quốc gia nào quan tâm.

Ai Cập, vốn đã mua 4 chiếc tàu ngầm từ Trung Quốc từ những năm 1980, được cho là khách hàng tiềm năng của S-20, tuy nhiên, hiện Cairo vẫn đang cân nhắc giá cả giữa tàu ngầm của Trung Quốc và Đức.

Ngoài ra, Pakistan cũng đang xem xét vũ khí của Trung Quốc. Vào tháng trước, nhiều nguồn tin đã chỉ ra rằng, nước này đã đạt được thoả thuận mua 8 tàu ngầm từ Trung Quốc, mặc dù truyền thông phương Tây khẳng định, thoả thuận cuối cùng giữa 2 nước chưa hề được thống nhất.

Ông Huang cho rằng, Pakistan đang thương lượng với một vài nước nhằm tạo áp lực bắt Trung Quốc giảm giá, và đây chính là điều Bắc Kinh cũng cảm thấy không hài lòng.

Một trường hợp khác là thoả thuận Thổ Nhĩ Kì mua các hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc hiện vẫn đang đình đốn mà nguyên nhân cũng được cho là do sự phản đối của Mỹ.

Theo số liệu được thống kê bởi Học viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu quốc phòng của Trung Quốc trong giai đoạn từ 2009 đến 2014 đã tăng 143% và vượt qua Đức để chiếm vị trí thứ 3, sau Nga và Mỹ, tuy nhiên, thị phần này vẫn chỉ chiếm 5% trên cả thế giới.