Bí ẩn chiếc "Vali hạt nhân" trong tay Tổng thống Mỹ Donald Trump

ANTD.VN - Chiếc “Vali hạt nhân” huyền thoại mà các Tổng thống Mỹ luôn mang bên mình không hề có nút bấm phóng tên lửa hạt nhân. Vậy trong đó chứa đựng những gì?

Quy trình tiếp nhận “Vali hạt nhân” của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump

Đúng 12 giờ trưa 20/1 (tức 0h ngày 21/1 giờ Việt Nam), trước sự chứng kiến của Chánh án Toà án Tối cao John Roberts, tỷ phú Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ và chỉ 10 phút sau, ông đọc bài diễn văn đầu tiên trên cương vị Tổng thống.

Theo tờ Financial View, vào lúc 12h15, một trợ lý quân sự của tân Tổng thống Mỹ sẽ nhận “Vali hạt nhân” và toàn bộ các thiết bị có liên quan từ nhóm của Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama. Và dĩ nhiên ngay sau đó, các mã số tương ứng của ông Obama đã được thay thế.

Tạp chí Mỹ Politico tiết lộ, theo thông lệ, một cuộc họp kín sẽ được tổ chức để ông Trump được hướng dẫn cách thức sử dụng thẻ mật mã và chiếc “Vali hạt nhân”. Thời điểm tổ chức cuộc họp đến nay vẫn được giữ bí mật vì những lý do về an ninh.

Tuy nhiên, nhiều cựu Tổng thống Mỹ trước đây đã được các quan chức quân sự hướng dẫn sử dụng chiếc Vali này chỉ vài giờ trước lễ tuyên thệ, trong một phòng kín của nhà khách Tổng thống, số 1651-1653, đại lộ Pennsylvania, Washington, D.C, đối diện với tòa nhà Văn phòng điều hành của Nhà Trắng.

Như vậy, nhiều khả năng ông Trump đã nhận được những thông tin cần thiết về “Vali hạt nhân” vào sáng sớm 20/1, trước khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Chuyên gia Anh Cristina Varriale cho biết rằng, ngay từ khoảnh khắc nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump có quyền tiếp cận mã số hạt nhân và chính thức sở hữu quyền năng duy nhất tại nước Mỹ là phát động một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Chiếc “Vali hạt nhân” bí ẩn này luôn ở bên người ông Trump khi ông ở Nhà Trắng, đồng thời nó sẽ luôn được một trợ lý quân sự xách theo trong những chuyến đi của Tổng thống Mỹ.

Ông Pete Metzger, người thường mang “Vali hạt nhân” trong thời kỳ tổng thống Mỹ Ronald Reagan cho biết rằng, thời gian từ lúc nhận cảnh báo đến lúc thực thi là rất ngắn (trong trường hợp khẩn cấp thì thời gian này chưa đến 15 phút) nên phụ tá phải luôn sẵn sàng.

Nhiều người lo ngại về nguy cơ hạt nhân khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ

Thực chất về “Vali hạt nhân” và quy trình sử dụng nó

Được mệnh danh là “Nuclear Football” (tức Quả bóng hạt nhân), “Vali hạt nhân” thật ra không chứa nút phóng vũ khí hạt nhân như người ta thường nghĩ.
Chiếc vali huyền thoại này gồm một thiết bị chứa các mã nhận dạng Tổng thống và một số tài liệu có liên quan đến quy trình phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào một quốc gia khác.

Theo cuốn sách “Breaking Cover” của cựu Giám đốc Văn phòng Quân đội thuộc Nhà Trắng là ông Bill Gulley, trong chiếc vali có bốn vật sau: Một cuốn sách bìa đen liệt kê các lựa chọn tấn công; một tấm thẻ có chứa mã xác thực để tổng thống xác nhận danh tính, một danh sách các hầm trú ẩn an toàn mà tổng thống có thể sử dụng và một bản hướng dẫn sử dụng Hệ thống Liên lạc Khẩn cấp.

Khi quyết định phát động một cuộc tấn công hạt nhân, trước tiên Tổng thống Mỹ sẽ sử dụng đến cuốn sổ bìa đen dày 75 trang, in bằng mực đen và đỏ trong “Vali hạt nhân”. Cuốn sổ này giống như một “danh sách đen” chứa các mục tiêu cần hủy diệt của đối phương và các lựa chọn phương án tấn công hạt nhân để Tổng thống Mỹ lựa chọn.

Theo ông Bill Gulley, cựu giám đốc Văn phòng Quân sự Nhà Trắng, sau khi đã lựa chọn mục tiêu và phương án tấn công, Tổng thống Mỹ sẽ xác nhận quyền Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang bằng cách sử dụng thẻ nhựa cứng.

Chiếc thẻ cứng kỹ thuật số, kích thước 7,3x12cm, có biệt danh là "biscuit" (tức “Bánh quy”), chứa các mã số nhận dạng của vị Tổng thống Mỹ, tức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang - người được phép ra lệnh phát động một cuộc tấn công hạt nhân.

Bên cạnh thẻ cứng và sổ đen, “Vali hạt nhân” còn có một cuốn sách khác, trong đó là danh sách các địa điểm tuyệt mật làm nơi trú ẩn an toàn cho tổng thống trong tình huống chiến tranh hạt nhân cùng một văn bản dài 10 trang, hướng dẫn cách vận hành Hệ thống Liên lạc Khẩn cấp.

Từ khi chiếc “Vali hạt nhân” ra đời, nó chưa bao giờ được sử dụng đến. Tuy nhiên, đến đời Tổng thống thứ 45 là ông Donald Trump thì trong nội bộ nước Mỹ và trên thế giới đã có nhiều ý kiến quan ngại về một cuộc chiến tranh hủy diệt, khi “Quả bóng hạt nhân” lọt vào tay vị tỷ phú Mỹ, từng gây sốc vì nhiều phát ngôn bốc đồng.

“Vali hạt nhân” sẽ luôn được mang theo bên cạnh Tổng thống Mỹ

Sự lo ngại về chiếc “Vali hạt nhân” trong tay Tổng thống Trump

Chuyên gia Anh Cristina Varriale nói rằng, dường như tân Tổng thống Mỹ “chưa hiểu biết nhiều về vũ khí hạt nhân và hậu quả của nó”, còn kênh truyền hình Mỹ CNN bình luận rằng: “Không phải ai cũng thấy thoải mái với ý tưởng ông Trump nắm quyền chỉ đạo đối với “Vali hạt nhân””.

Ngay cả Tổng thống vừa mãn nhiệm Barak Obama cũng từng bày tỏ sự lo ngại về việc này. Hồi đầu tháng này, phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Durham, Bắc Carolina ông Obama từng nói: “Làm sao bạn có thể tin tưởng ông ấy với các mã hạt nhân? Bạn không thể tin tưởng được”.

Ông Bruce Blair, cựu sĩ quan về tên lửa hạt nhân và là người ủng hộ bà Clinton cũng nói rằng, mối lo ngại về Tổng thống Donald Trump là có thực, bởi vị tỷ phú Mỹ đã “hết lần này đến lần khác thể hiện mình là một người dễ nổi nóng, dễ bị đả kích và luôn trong tình trạng phòng thủ”.

Trong bài viết trên tờ Politico, vị chuyên gia Mỹ nhận định rằng, nếu một cuộc khủng hoảng hạt nhân nảy sinh, “tính cách thất thường và không ổn định của ông Donald Trump khiến ông không mấy được tin cậy về khả năng đưa ra quyết định đúng đắn cho nước Mỹ”.

Ngay cả các tuyên bố của ông Trump trong quá trình tranh cử cũng khiến giới chức chính trị và quân sự thế giới lo ngại. Ông Trump đã từng phát biểu trên MSNBC hồi tháng 3/2016 là có thể sử dụng cả vũ khí hạt nhân nếu tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tấn công nước Mỹ.

Ngoài ra, tân Tổng thống Mỹ cũng từng khuyên các đồng minh như Nhật Bản tự trang bị vũ khí hạt nhân cho riêng mình nếu họ không chịu đóng góp nhiều hơn vào chi phí để quân đội Mỹ bảo vệ các đồng minh.

Điều này khiến cho nhiều chính khách và chuyên gia nhận định rằng, ông Trump chưa ý thức được hết những hậu quả khủng khiếp của vũ khí hạt nhân và có thể sử dụng nó trong một giây phút “bốc đồng” nào đó, khiến không chỉ đối thủ mà cả nước Mỹ lãnh hậu quả khủng khiếp.

Vậy ông Trump có thể sử dụng quyền lực hạt nhân của mình như thế nào, và ai hay điều gì có thể ngăn chặn ông phát động một cuộc tấn công hạt nhân? Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ tiếp theo.