[ẢNH] Thương vụ S-400 giữa Nga với Ấn Độ nguy cơ đổ bể, Trung Quốc mừng ra mặt

ANTD.VN - Khác với Trung Quốc, Ấn Độ có thể tiếp cận được vũ khí từ Mỹ thay vì chỉ có nguồn duy nhất là Nga, vì thế nếu không đạt được thỏa thuận hợp lý với Moscow, họ sẽ không đặt bút ký mua S-400.

Các cuộc đàm phán về việc cung cấp hệ thống phòng không S-400 "Triumph" của Nga cho Ấn Độ đi vào ngõ cụt.

Một trong những đại diện của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tuyên bố rằng, cả hai bên không thể đạt được các điều khoản về vấn đề đào tạo cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất.

Tuy nhiên theo hãng tin Defense News của Mỹ, nguyên nhân khiến hợp đồng này không được ký kết là vấn đề tài chính, cụ thể giá mà phía Nga đưa ra quá cao.

Nguồn tin này tiết lộ phía Nga yêu cầu Ấn Độ phải trả 5,5 tỷ USD cho 5 hệ thống S-400 trong khi đó phía Ấn Độ đưa ra giá không quá 4,5 tỷ USD.

Khác với Trung Quốc, Ấn Độ có thể tiếp cận được vũ khí từ Mỹ thay vì chỉ có nguồn duy nhất là Nga, vì thế nếu không đạt được thỏa thuận hợp lý với Moscow, họ sẽ không đặt bút ký mua S-400.

Hệ thống phòng không S-400

Hệ thống phòng không S-400

S-400 Triumf, được NATO định danh là SA-21 Growler, là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa thế hệ thứ 4 do Nga phát triển từ năm 1993. Hệ thống S-400 có thể bắn hạ máy bay có người lái, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Mặc dù vậy, S-400 không thể va chạm trực tiếp với các đầu đạn đang bay tới. Tầm bắn của hệ thống S-400 từ 240 km đến 400 km. Với tầm bắn ngắn nhất 240 km, hệ thống sử dụng các tên lửa 48N6 được trang bị đầu đạn nặng 143 kg. Đối với tầm bắn đối đa, các tên lửa 40N6 được sử dụng, nhưng thông số chi tiết của chúng không được tiết lộ.

S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.

 

Nên nhớ rằng, chính sách quân sự mới của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương là tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Vì vậy họ có thể nhập khẩu dây chuyền sản xuất máy bay chống tàu ngầm Boeing P-8, máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 và máy bay tiêm kích F-16.

Việc mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ phát triển nhanh chóng đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có thể  trở thành yếu tố buộc Nga phải xem xét lại giá cả nếu muốn chiếm thị trường giàu tiềm năng này.

Tuy nhiên vấn đề là Nga lại không làm như vậy. Sau khi hệ thống S-400 chứng minh được khả năng cũng như hiệu quả ở chiến trường Syria nó trở thành “hàng hót” mà nhiều quốc gia mong muốn sở hữu, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ả-rập Xê-út, Algeria,  thậm chí có cả Việt Nam.

Chính vì vậy S-400 dường như sẽ không đủ cung cấp cho các nước. Trong trường hợp này Nga sẽ xem xét và bán cho một nước nào đó và tất nhiên với mức giá của họ đưa ra và cuối cùng các cuộc đàm phán với Ấn Độ coi như chấm dứt.

Ngoài ra một nguyên nhân nữa khiến Nga lo ngại và dừng đàm phán với Ấn Độ vì lo ngại bị lộ bí mật quân sự. Trước đó vào tháng 11/2017 nguồn tin từ Kommersant tiết lộ rằng, Ấn Độ cho phép các đại diện của Hải quân Hoa Kỳ nghiên cứu tàu ngầm Nerpa của Nga.

Hành động này của Ấn Độ đã bị các nhà chức trách Nga lên án và tuyên bố rằng hành động này của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước.