5 nước thi nhau thành lập căn cứ quân sự ở Djibouti

ANTĐ - 3 cường quốc quân sự là Mỹ, Nhật Bản và Pháp đã có lực lượng đóng quân tại Djibouti và thêm 2 nước khác là Ả-Rập Saudi và Trung Quốc, cũng chuẩn bị thành lập căn cứ tại đây.

Theo tạp chí The Diplomat, Mỹ có sự hiện diện quân sự lớn nhất tại quốc gia châu Phi này với 4.000 lính ở trại Lemonier, tiếp theo sau đó là Pháp với 1.900 lính. Nhật Bản cũng đã triển khai theo kiểu xoay vòng  600 binh lính của lực lượng phòng vệ bờ biển và hoạt động chủ yếu ở các cảng của Djibouti.

Mỹ có lực lượng đông nhất tại Djibouti với khoảng 4.000 lính

Trung Quốc và Ả-Rập Saudi gần đây cũng đã tìm cách điều lực lượng đến quốc gia này. Vào cuối tháng 2, Bắc Kinh đã xác nhận đạt được thỏa thuận với Djibouti về việc thành lập các cơ sở hậu cần quân sự, vốn được cho là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.

“Vị trí địa lí của Djibouti là những gì mà các nước này mong muốn. Nó nằm ở bên cạnh eo biển Bab el-Mandab chia cắt châu Á và châu Phi, cũng như là điểm then chốt trên tuyến đường từ vịnh Aden đến kênh đảo Suez’’, tạp chí The Diplomat giải thích.

Đây là khu  vực có giá trị kinh tế quan trọng do 20.000 tàu buôn và 20% giá trị xuất khẩu của cả thế giới đi qua đây mỗi năm. Ngoài ra, nếu tính riêng ngành năng lượng, 10% sản lượng dầu mỏ xuất khẩu của thế giới cũng phải đi qua eo biển Bab el-Mandab.

Djibouti nằm ở vị trí cực kì đắc địa có ý nghĩa về mặt kinh  tế và quân sự

Đường thương mại vịnh Aden – kênh đảo Suez là đặc biệt quan trọng với 2 cường quốc kinh tế châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Ước tính, 2.000 tàu thương mại có liên quan đến Nhật Bản phải đi qua tuyến đường này mỗi năm, trong khi giá trị trao đổi thương mại giữa EU và Trung Quốc khoảng 1 tỉ USD/ngày và hầu hết hàng hóa đều vận chuyển bằng đường biển qua khu vực này. Trung Quốc cũng muốn sử dụng Djibouti như một cách để đảm bảo sự phát triển quyền lợi kinh tế của họ ở châu Phi.

Đối với Mỹ, theo tạp chí The Diplomat, trại Lemonnier đóng vai trò như trung tâm điều phối chiến dịch chống khủng bố của họ ở khu vực Sừng châu Phi. Tất cả hoạt động quân sự chống khủng bố của Mỹ ở Yemen, Somalia hay nhiều quốc gia châu Phi khác đều xuất phát từ Djibouti.

Về phần Ả-Rập Saudi, lợi ích ở Djibouti trong ngắn hạn đó là bàn đạp để nước này duy trì chiến dịch can thiệp quân sự vào nội chiến Yemen.