Quân nổi dậy đe dọa các dự án dầu khí lớn của Mozambique

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Gần đây, các phần tử Hồi giáo ở Mozambique đã tấn công ngày càng táo tợn vào khu vực có các dự án dầu khí lớn. Cho đến nay, mặc dù các khu dự án chính chưa bị ảnh hưởng nhưng rủi ro an ninh đối với khoản đầu tư lớn nhất ở châu Phi đang gia tăng.
Mozambique có thể dẫn đầu thế giới về khí đốt xuất khẩu khi các dự án mới đi vào hoạt động

Mozambique có thể dẫn đầu thế giới về khí đốt xuất khẩu khi các dự án mới đi vào hoạt động

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 29-3 tuyên bố đã chiếm đóng thị trấn duyên hải Palma ở phía Bắc của Mozambique. Cuộc giao tranh giữa phiến quân với quân đội và các lực lượng an ninh đã khiến ít nhất 55 người thiệt mạng. Palma là thị trấn gần một dự án khí đốt khổng lồ trị giá 60 tỷ USD do Tập đoàn năng lượng Total của Pháp và một số công ty năng lượng khác như Eni SpA và Exxon Mobil triển khai. Các dự án hứa hẹn có thể xoay chuyển nền kinh tế của một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Tuy nhiên, tại quốc gia này, những kẻ nổi dậy mở cuộc tấn công đầu tiên vào thị trấn cảng Mocimboa da Praia vào năm 2017. Kể từ đó, Mozambique đã chứng kiến làn sóng tấn công với mức độ tinh vi, quy mô và tần suất leo thang. Năm 2020, phiến quân Hồi giáo đã sử dụng súng chống tăng và các vũ khí mạnh khác thu giữ được từ quân đội. Quá trình đó, hơn 2.600 người đã chết và khoảng 700.000 người phải di dời do bạo lực ở Mozambique. Trong tháng 3-2021, giao tranh nổ ra khi quân nổi dậy chiến đấu với quân đội để giành quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Palma.

Địa điểm này cách dự án của hãng Total gần 8 km, khiến các công ty phải ngừng hoạt động và cho nhân viên di tản lần thứ hai trong năm 2021. Một số người nước ngoài làm việc cho các công ty tham gia vào các dự án nằm trong số hàng chục người đã thiệt mạng. Hầu hết đội quân nổi dậy là thanh niên địa phương nghèo, một số đến từ Tanzania và các nước lân cận khác. Bọn họ khởi đầu là một giáo phái Hồi giáo vào năm 2007 và tự gọi mình là al-Shabaab nhưng không có bất kỳ liên quan đến đội quân khủng bố khét tiếng của Somalia và sau này có liên kết với IS.

Trở lại với các dự án quan trọng ở Mozambique, quốc gia này có thể trở thành một trong những nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới khi các dự án mới đi vào hoạt động. Chính phủ hy vọng sẽ đạt được doanh thu lên tới 100 tỷ USD trong 25 năm tới, gấp hơn 6 lần tổng sản phẩm quốc nội hàng năm hiện tại. Mozambique vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi cuộc nội chiến kéo dài 16 năm kết thúc vào năm 1992. Họ dự kiến sẽ có doanh thu về dầu khí sau khi dự án trị giá 23 tỷ USD của Total đi vào hoạt động năm 2024. Ngành khí đốt phát triển sẽ kéo theo các ngành công nghiệp địa phương khác như sản xuất điện, nhiên liệu và phân bón.

Về nguy cơ rủi ro, các vị trí khoan nằm ở vùng biển ngoài khơi cách bờ khoảng 40 km nên tương đối dễ bảo vệ. Trong khi đó, các dự án trên bờ được bảo đảm tốt trong một khu phức hợp rộng lớn có sân bay riêng và lối đi thẳng ra đại dương để tiếp tế. Tuy nhiên, bạo lực liên tục có thể dẫn đến sự chậm trễ về mặt hậu cần và việc công nhân thiệt mạng có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư cuối cùng của Exxon.

Quân đội Mozambique đã phải xoay xở để kiềm chế bạo lực khi hàng ngũ quân nổi dậy tăng lên và họ được tiếp cận với vũ khí tốt hơn cùng các nguồn lực khác. Chính quyền đã thuê lính đánh thuê của Nga và Nam Phi để dập tắt các cuộc tấn công, nhưng thành công hạn chế. Gần đây hơn, Mozambique cũng đã bắt đầu các chương trình xã hội nhắm vào những thanh niên dễ bị tổn thương ở Cabo Delgado nhằm dịu đi bất bình về tình trạng thiếu việc làm và các cơ hội kinh tế khác ở khu vực chủ yếu là người Hồi giáo.

Ngày 29-3, Người phát ngôn Liên hợp quốc Stéphane Dujarric đã lên án cuộc tấn công của IS tự xưng ở thành phố cảng Palma, đồng thời khẳng định sẽ phối hợp hỗ trợ Chính phủ Mozambique bảo vệ dân thường, khôi phục sự ổn định và đưa các nghi phạm ra xét xử. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết hỗ trợ Mozambique sau cuộc tấn công đẫm máu nói trên.