Quán “nét” - đích đến của tội phạm: Phải “siết” trách nhiệm người kinh doanh

ANTĐ - Đây là quan điểm chung của đại diện một số cơ quan chức năng mà PV Báo ANTĐ đã tiếp xúc, trao đổi. Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh Internet đã có, nhưng việc thực thi quy định còn nặng về hình thức.

Camera ghi lại hình ảnh một nhóm đối tượng gây án trong quán “nét”
bị CAQ Đống Đa điều tra, bắt giữ

Muôn kiểu đối phó

Theo đánh giá của Phòng CSHS - CATP Hà Nội, số vụ cướp tài sản, trộm cắp xảy ra tại các quán kinh doanh Internet có dấu hiệu tăng, với thủ đoạn tinh vi, nhưng ý thức của nhiều chủ cửa hàng cũng như khách chơi vẫn còn hạn chế. Nhiều cơ sở dù nhận thức được nguy cơ tội phạm tiềm ẩn nhưng vì chạy theo lợi nhuận, họ sẵn sàng bỏ qua các quy định, sử dụng nhiều thủ đoạn để hoạt động quá giờ. Tình trạng này không chỉ phổ biến tại các địa bàn nội thành, nơi tập trung đông học sinh, sinh viên – đối tượng chính sử dụng dịch vụ này, mà còn diễn ra tại các vùng ngoại thành. Qua công tác kiểm tra, xử lý, lực lượng công an từng gặp nhiều thủ đoạn, chiêu trò đối phó của chủ cơ sở kinh doanh Internet, như tắt đèn, khóa cửa, cất biển hiệu rồi buông rèm để khách chơi bên trong. Nhiều cửa hàng còn bố trí bãi gửi xe, phòng game phục vụ riêng cho những “khách ruột”. “Cũng có những quán Internet hoạt động “bí mật” sau 24h, khi khách muốn vào phải nhắn tin, gọi điện hoặc đọc đúng mật khẩu. Một khi người chơi đã vào bên trong là xác định “cắm chuột” thâu đêm suốt sáng” – một cán bộ Phòng CSHS cho biết.

Có thể bị xử phạt hành chính và rút giấy phép kinh doanh khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, nhưng vì sao các cửa hàng “nét” vẫn lén lút hoạt động quá giờ? Theo anh Hùng – nhân viên quản lý chuỗi cửa hàng “nét” ở khu vực gần trường Đại học Y Hà Nội, thì dù ban đêm chỉ có vài tiếng đồng hồ nhưng lợi nhuận kinh doanh trong khoảng thời gian này không thua kém cả ngày. Nếu như từ sáng đến chiều, người chơi hầu hết là khách vãng lai thì ban đêm đa phần là “khách ruột” – những người “nghiện” game thật sự. Do phần lớn các quán đều đóng cửa sau 24h nên quán nào hoạt động “chui” sẽ thu hút được rất đông các game thủ. “Ngoài đứng ra tổ chức các trận đấu, cá cược, chủ quán còn thu lợi từ việc phục vụ đồ ăn, thức uống, bán thẻ game, kinh doanh “đồ” cung cấp cho các nhân vật ảo” - anh Hùng lý giải nguyên nhân vì sao nhiều quán Internet lén lút kinh doanh quá giờ.

Hiệu quả khó cao

Internet thuộc lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm về ANTT. Xác định tính chất đó, lực lượng công an cơ sở luôn chủ động các biện pháp để phòng ngừa tối đa nguy cơ tội phạm lợi dụng quán “nét” để hoạt động. Tuy nhiên, sự đơn độc về lực lượng đã và đang khiến hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa ở nhiều địa bàn chưa đạt được như mong muốn.

Theo Trung tá Vũ Duy Hưng, cán bộ Đội Quản lý hành chính về TTXH CAH Từ Liêm, để có thể mở được một điểm kinh doanh Internet, chủ cơ sở không cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT mà chỉ cần có đăng ký kinh doanh, hợp đồng thuê bao ký với nhà mạng trở thành đại lý cung cấp dịch vụ mạng. Ngoài ra người điều hành quản lý địa điểm kinh doanh Internet phải có chứng chỉ tin học. Tuy nhiên để lách luật, hầu hết các cửa hàng đều không ký hợp đồng trở thành đại lý mà chỉ ký hợp đồng hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet. Trên địa bàn huyện Từ Liêm hiện có gần 200 cửa hàng kinh doanh Internet, tập trung nhiều nhất tại địa bàn các xã Cổ Nhuế, Trung Văn, nơi có nhiều trường Đại học, Cao đẳng… 

Thiếu tá Hoàng Quốc Hưng -  Đồn phó Đồn Công an số 23, huyện Từ Liêm cho biết, cán bộ của Đồn thường xuyên tuần tra kiểm soát, một mặt phát hiện các cơ sở kinh doanh quá giờ, mặt khác nhắc nhở các chủ cơ sở phải có biện pháp phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên do giấy phép mở cửa hàng kinh doanh Internet khá đơn giản nên hầu hết các cơ sở này thường… sẵn sàng mắc lỗi kinh doanh quá giờ. THêm nữa. Nếu bị phát hiện, xử phạt, mức phạt là 2 triệu đồng; tái phạm tăng lên cao nhất 3 triệu đồng nên các cơ sở kinh doanh Internet... không sợ. 

Một “lỗ hổng” khác của các quán “nét” được Thiếu tá Hoàng Quốc Hưng cho biết thêm, vì không thuộc diện quản lý nên khi mở cửa hàng kinh doanh, nhiều chủ cơ sở thường không ra trình báo với cơ quan công an. “Qua kiểm tra, có thể thấy ý thức của người dân trong công tác phòng chống tội phạm chưa cao. Có những khách chơi thâu đêm suốt sáng, từ ngày này sang ngày khác nhưng vì lợi nhuận, chủ cơ sở không có ý kiến gì. Đây chính là những đối tượng dễ nảy sinh hành vi phạm pháp vì chơi nhiều sẽ hết tiền và sẽ kiếm tiền bằng mọi cách”, Thiếu tá Hưng nhìn nhận.

Để hạn chế các vụ vi phạm pháp luật xuất phát từ quán Internet cần có sự tăng cường giám sát và thực hiện nghiêm quy định từ phía các cơ quan chức năng và cần xác định rõ, đây không chỉ là trách nhiệm của riêng lực lượng công an. Bên cạnh đó, cần xác định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan chức năng trong kiểm soát hoạt động của quán “nét”, cũng như tăng mức xử phạt để tạo sự răn đe, phòng ngừa…