Quản lý thị trường sách: Vẫn... bất lực

ANTĐ - Sách lậu, sách cấm, sách kém chất lượng hiện vẫn bày bán tràn lan, nhan nhản không chỉ làm rối loạn hoạt động kinh doanh sách, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng tri thức của người đọc. Lỗi thuộc về những nhà phát hành sách, các đối tượng in lậu, kinh doanh sách trái phép... đã đành. Nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cũng đang thể hiện rõ sự yếu kém trong việc thẩm định chất lượng sách, và bất lực trong việc quản lý thị trường sách hiện nay.

Sách cấm càng bán chạy

Điều này dường như đã trở thành quy luật, càng cấm càng được người mua lùng sục. Mỗi khi có cuốn sách nào đó bị thông báo cấm phát hành là ngay lập tức cuốn sách đó được bán chạy như tôm tươi. Và có điều lạ rằng dù là sách cấm nhưng vẫn mua được. Điển hình cho những cuốn sách đã từng bị cấm đó là “Sợi xích” (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Lê Kiều Như cuốn sách tranh của họa sĩ Nguyễn Thành Phong có tên “Sát thủ đầu mưng mủ” (NXB Mỹ thuật), cuốn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của Nguyễn Vĩnh Nguyên (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book) bị kết vào tội “dâm thư” và cũng bị ngừng phát hành. Trước đó, tại các nhà sách dù cuốn này chỉ bán làng nhàng, nhưng sau mấy ngày lệnh cấm ban hành thì giá sách tăng gấp đôi so với giá bìa và vẫn “cháy” sách….

Có thể thấy các lệnh cấm phát hành hay thu hồi sách trong thời gian gần đây đã tạo một phản ứng ngược. Sách đã bị cấm, dĩ nhiên không có lợi cho tác giả, cho đơn vị phát hành, Nhà nước không thu được tiền thuế. Chỉ có các đầu nậu và nhà sách không chân chính coi đây như cơ hội béo bở để kiếm tiền. Rõ ràng việc ra quyết định thu hồi sách lại chẳng khác nào một cái “thông báo” để cuốn sách bị cấm được bán chạy hơn. Bởi thực tế, các cơ quan chức năng có đi kiểm tra các cửa hàng bán sách thì cũng khó để bắt quả tang việc bán sách cấm bởi các “chiêu” giấu hàng của các chủ nhà sách, đồng thời mức phạt hành chính đối với hành vi bán một hai cuốn sách cấm cũng chỉ như… phủi bụi. Điều này dẫn đến việc sách cấm vẫn đến được tay người đọc và “lệnh” cấm sách chả có tác dụng gì. Việc sách đã được in xong và phát hành sau đó mới cấm đã cho thấy công tác kiểm duyệt sách trước khi in và công tác hậu kiểm là… có vấn đề. Chính vì vậy để ngăn chặn sách cấm thì trước hết khâu biên tập duyệt in cần phải được làm một cách cẩn trọng và bài bản. Nhưng thực tế với mô hình liên kết xuất bản giữa các công ty sách, nhà sách với các nhà xuất bản như hiện nay đã tạo ra một lỗ hổng lớn để sách “chất lượng kém” xuất hiện trên thị trường.

Sách không cấm cũng… choáng

Sách có nội dung không lành mạnh phải cấm là chuyện đương nhiên. Song thực tế có không ít cuốn sách đang lưu hành, thậm chí những sách mang tính chất giáo dục cũng có những nội dung khiến người đọc phải “hoảng hốt”. Nếu chỉ dạo qua một vòng trên các kệ sách ở Hà Nội thì có thể thấy những sách được coi là định hướng thẩm mỹ, giáo dục nhân cách có nhiều vấn đề cần phải bàn. Rất nhiều cuốn sách dành cho tuổi mới lớn, hoặc lứa tuổi học trò có biểu hiện lệch lạc. 

Nhiều phụ huynh đã không ngần ngại mua cho con mình cuốn sách “Học sinh… cười” để con giải trí bên cạnh áp lực bài vở. Cuốn sách được một đơn vị phát hành uy tín là NXB Văn học ấn hành. Tuy nhiên, khi đọc nội dung cuốn sách, không ít phụ huynh tá hỏa vì dù là những nội dung dành cho thiếu nhi trong cuốn sách nhưng khiến người lớn phải đỏ mặt vì những liên tưởng rất tục tĩu. Nhiều phụ huynh đã phải giật mình thấy những đoạn truyện trong cuộc đối thoại Tý và cô giáo, trong đó cô giáo đã đưa ra những câu hỏi như thế này: “Ở nơi đâu lông của đàn bà quăn nhiều nhất?”; “Cái gì cô có ở giữa 2 chân của cô?”; “Cái gì trong người của cô lúc nào cũng ẩm ướt?”; “Cái gì của cô còn nhỏ khi cô chưa có chồng và rộng lớn ra khi cô lập gia đình?”; “Cái gì mềm mềm nhưng khi vào tay cô một hồi thì cứng ra?”; “Cái gì dài dài như trái chuối, cô cầm một lúc nó chảy nước ra?”… Hay như phần trả lời cho câu hỏi về con số đẹp nhất 21593: “Nếu một cặp nào đó cùng làm một việc thì trong vòng không quá năm tuần họ sẽ hiểu rằng sau 9 tháng sẽ xuất hiện người thứ 3”... Rồi thì cách phân biệt sờ nặng và sờ nhẹ… cũng khiến phụ huynh tím tái mặt mày. Đáng nói là những câu chuyện như thế này thường khiến các em nhớ lâu và dễ dàng lan truyền nhất.

Hay như trong 1 cuốn sách bài tập toán dành cho học sinh Tiểu học, có ví dụ như thế này: “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?”. Không những thế, sách bài tập toán còn có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên. Dù các bên liên quan là Nhà xuất bản Trẻ (đơn vị được in logo lên sách) và tác giả đều không nhận trách nhiệm về cuốn sách, song rõ ràng để một cuốn sách với mục tiêu giáo dục nhưng có những nội dung như vậy xuất hiện trên thị trường có thể thấy khâu xuất bản và quản lý hoạt động xuất bản còn quá nhiều lỗ hổng.

Tràn lan sách có nội dung sai phạm

Theo thông tin từ ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản Bộ Thông tin - Truyền thông thì trong 6 tháng đầu năm 2012, Cục đã xử lý 49 đầu sách vi phạm nội dung. Trong đó có những nội dung về vấn đề lịch sử nhưng không được biên tập, thẩm định kỹ đã dẫn đến sai sót số liệu, sự kiện và nhân vật lịch sử, sách có nội dung về vấn đề tôn giáo, nhưng không được biên tập kỹ gây hoang mang cho bạn đọc và dư luận. 

Đáng nói là không ít trong số sách này đã lưu hành rất lâu trên thị trường và gây những ảnh hưởng xấu trong nhận thức của người đọc. Phần lớn đối tượng độc giả của loại sách này hiện nay là những người nước ngoài du lịch tại Việt Nam. Họ mua sách, tìm kiếm thông tin và có thể sẽ tiếp tục mang những cuốn sách này về nước, tặng bạn bè sử dụng tiếp, hoặc mang tới nhiều quốc gia khác. Đa số các sách này là sách liên kết, trong đó nhiều cuốn được in lậu tại nước ngoài rồi tuồn về Việt Nam tiêu thụ.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên sách cấm, sách lậu. Bởi thực tế, các cuộc thanh kiểm tra bất chợt của các cơ quan chức năng thực ra chỉ như muối bỏ bể, trong khi sách lậu, sách cấm thì hàng ngày hàng giờ vẫn lưu hành đến tay người đọc. Khi thanh tra phát hiện và thu hồi thì sách in lậu, không rõ nguồn gốc thì cũng là để cho có - vì mỗi đầu sách, nhà sách chỉ bày bán từ 2 - 3 bản. Nhưng thực tế, nếu khách hàng có nhu cầu thì nhà sách có thể cung cấp cả trăm cuốn. Làm sách lậu một vốn bốn lời, bởi vậy các nhà sách chấp nhận tất cả mọi cuốn sách được ký gửi, không cần biết nội dung mình đang bán cái gì, lấy nguồn ở đâu. 

Mất bò mới lo làm chuồng

Sách lậu, sách cấm hay sách kém chất lượng, dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một điểm chung nhất, đó là sự lơi lỏng quản lý, khả năng thẩm định của chính những người chịu trách nhiệm trong lĩnh vực xuất bản.

Theo quy định, bất cứ đầu sách nào trước khi xuất bản đều phải nộp lưu chiểu để các cơ quan quản lý xuất bản đọc và thẩm định nội dung trước khi được phép lưu hành. Như vậy, có thể thấy việc để lọt sách kém chất lượng, sách không phù hợp... chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản. Và việc thu hồi sách sau khi đã phát hành, thêm một lần nữa khẳng định sự kém cỏi của các cơ quan có trách nhiệm. Chưa kể những lệnh thu hồi theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” ấy, vô hình trung đã đem lại tác dụng ngược mà các cơ quan chức năng không cách gì “thu hồi” hay cấm được.

Trong khi việc phát hiện vi phạm vốn đã khiêm tốn, thế nhưng ngay cả chế tài xử lý các hành vi vi phạm cũng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Mức xử phạt vi phạm hành chính cho việc phát hành sách không rõ nguồn gốc từ 3 đến 5 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu so với mức lợi nhuận, bởi vậy không đủ sức răn đe. 

Một trong những nguyên nhân nữa gây nên tình trạng tràn lan sách kém chất lượng như hiện nay, lại chính là việc xã hội hóa công tác xuất bản một cách nửa vời. Xã hội hóa làm phong phú thị trường xuất bản phẩm. Tuy nhiên việc không được quản lý chặt chẽ đã làm bung nở những cửa hàng kinh doanh sách tư nhân, đây cũng là đầu mối đưa một lượng sách lậu mới vào thị trường, theo ước tính của thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông có thể lên tới 20% so với tỷ lệ sách chính nguồn. Nhiều NXB vì lợi nhuận mà sẵn sàng liên kết, liên doanh với các đơn vị tư nhân để đưa ra những xuất bản phẩm mà không hề có sự kiểm duyệt về nội dung, gây ra nhiều hệ lụy mà việc khắc phục vô cùng khó khăn. 

Đối với hành vi buôn bán sách cấm, sách lậu đã phải có những chế tài mạnh hơn, chứ không chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, cần phải xem xét tới trách nhiệm hình sự, đồng thời có những hình thức tước giấy phép kinh doanh đối với những đơn vị phát hành sách có vi phạm... Không riêng những đối tượng đầu nậu, chủ nhà sách mà ngay cả đối với người phát hành, bán lẻ sách cũng cần tăng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe. Và điều quan trọng là cần phải quản lý chặt việc liên kết xuất bản hiện nay. Bởi đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sách lậu, sách kém chất lượng, sách dung tục không có định hướng thẩm mỹ xuất hiện trên thị trường.