Quản lý Nhóm lớp mầm non tư thục: Quan trọng là “hậu kiểm”

ANTĐ - Mới bước vào đầu năm học mới nhưng dư âm của những vụ việc đau lòng xảy ra ở các cơ sở mầm non khiến cả xã hội phải ngậm ngùi bởi nạn nhân là những đứa trẻ còn rất nhỏ. Việc quản lý chất lượng mầm non, đặc biệt là mầm non tư thục vẫn đang là vấn đề lớn của ngành giáo dục.

Ngành giáo dục chỉ khuyến khích mở trường tư thục và hạn chế mở nhóm lớp

Học hết lớp 9 đã được mở lớp mầm non

Sự việc đau lòng tại cơ sở mầm non Thiên Thần nhỏ, Long Biên đang khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Là phụ trách cơ quan quản lý các cơ sở mầm non trên địa bàn, bà Hoàng Thị Kim Phượng, Phó phòng GD-ĐT quận Long Biên đã bày tỏ sự lo ngại về sự vô lý trong quy định của Bộ GD-ĐT khi đưa ra cơ chế thành lập nhóm lớp mẫu giáo. Bà Hoàng Thị Kim Phượng cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, để thành lập nhóm lớp mẫu giáo, chỉ cần người có trình độ học vấn từ cấp Trung học cơ sở trở lên là có thể đứng ra thành lập. “Tôi cảm thấy hết sức vô lý và không ít lần cán bộ ở Phòng, Sở GD-ĐT đã kiến nghị lên Bộ GD-ĐT về vấn đề này. Không thể để một người học hết lớp 9, chỉ cần vài chục hoặc vài trăm triệu đồng là có thể làm chủ một nhóm lớp dạy dỗ trẻ em được” – bà Phượng cho biết.

Trước nhu cầu gửi trẻ ngày càng lớn, cùng quy định thành lập nhóm lớp mầm non không mấy khắt khe khiến các nhóm lớp mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội mọc lên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, mới chỉ có 80% nhóm lớp được cấp giấy phép.

Hạn chế tối đa mở nhóm lớp mầm non

Nói về việc quản lý các cơ sở mầm non tư thục, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, chủ trương của ngành là khuyến khích phát triển trường mầm non tư thục, đặc biệt tại các khu đô thị, đồng thời hạn chế tối đa mở các cơ sở nhóm, lớp. Tuy nhiên, với nhu cầu gửi trẻ vẫn tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, đô thị mới thì việc mở chui, mở khi chưa được cấp phép vẫn có khả năng xảy ra.

“Năm học 2013-2014, Sở sẽ chỉ đạo tăng cường rà soát, kiểm tra đối với loại hình ngoài công lập, nhất là các nhóm lớp tư thục về việc duy trì các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ, đồng thời đổi mới công tác kiểm tra, tổ chức kiểm tra theo kế hoạch 3 đợt/năm học toàn bộ 29/29 quận, huyện, qua đó đánh giá công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học của các phòng GD-ĐT làm căn cứ đánh giá thi đua”- bà Hoàng Thanh Hương nhấn mạnh. Bên cạnh đó, việc quản lý sẽ được tập trung đặc biệt vào kiểm tra sau cấp phép hoạt động để thực hiện quy chế chuyên môn của cấp học, về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. 

Nói về việc cần hoàn thiện quy định về thành lập cơ sở mầm non tư thục, bà Hoàng Thanh Hương cho biết đã chính thức đề nghị Bộ GD-ĐT nâng yêu cầu qui định về bằng cấp đối với chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục vốn được ban hành từ năm 2008 và đã bộc lộ một số bất cập trong thực tế.

Đánh giá về hoạt động của các cơ sở mầm non ngoài công lập, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Bên cạnh những cơ sở mầm non tư thục được cấp phép và hoạt động hiệu quả thì vẫn còn những cơ sở manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư do đó cơ sở vật chất của nhóm, lớp chưa đảm bảo theo quy định. Trong khi đó, cán bộ tổ giáo vụ mầm non của các phòng giáo dục còn mỏng dẫn đến công tác kiểm tra, phối hợp với các ban, ngành địa phương trong việc quản lý trường, lớp tư thục còn hạn chế”.