Quản lý người nghiện sau cai tại cộng đồng: Thực tế đáng buồn

ANTĐ - Năm 2011, có gần 1.000 người nghiện ma túy trong diện “tiến bộ”, sau khi cai bắt buộc tại trung tâm được về địa phương sinh sống. Gần một nửa trong số họ được gia đình tự tìm việc làm, thu nhập thấp. Rất ít người được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội cho vay vốn làm ăn.

Các thành viên CLB B93 quận Ba Đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đoạn tuyệt với ma túy

Không làm… báo cáo vẫn hay

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH cho biết: NĐ 94 quy định, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã là người quyết định áp dụng hình thức quản lý sau cai với học viên, khi họ đã hoàn thành thời hạn 2 năm cai ở trung tâm. Trên cơ sở xem xét hồ sơ, người đứng đầu UBND các quận, huyện sẽ duyệt danh những sách người tiến bộ, “trả” về địa phương. Về nơi cư trú, những người này tiếp tục bị “quản” thêm 2 năm nữa, với sự giám sát của cán bộ chuyên trách. Thông qua cán bộ này, chính quyền xã, phường, thị trấn… có trách nhiệm nắm bắt tâm tư, tình cảm, giúp đỡ họ chống tái nghiện.

Quy định một đằng nhưng thực tế lại một nẻo, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH khẳng định.  Trong năm 2011, Chi cục đã thực hiện 2 cuộc kiểm tra. Lần đầu, cán bộ phòng, chống TNXH chọn ngẫu nhiên 6 hồ sơ người nghiện đang được quản lý, thông báo trước cho chính quyền địa phương về kế hoạch kiểm tra. Kết quả rất “tốt”, khi 4/6 trường hợp trả lời được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ. “Cũng cách làm như vậy, lần thứ 2 chúng tôi rút ngẫu nhiên 16 hồ sơ, trên tổng số 971 người trong diện quản lý”. Lần kiểm tra này Chi cục không báo trước với cơ sở. Kết quả ngược lại hoàn toàn, khi 14 trường hợp khẳng định không biết cán bộ phân công giúp đỡ họ; không biết chính sách hỗ trợ việc làm cũng như không biết địa bàn có CLB B93. Lạ thay, cả 14 trường hợp nói “3 không” này, trong hồ sơ lưu trữ mà các địa phương gửi cho Chi cục đều “điền” đầy đủ các nhiệm vụ, yêu cầu cũng như phân công người giúp đỡ đúng như quy định. Quản lý, giúp đỡ người nghiện đang được nhiều địa phương thực hiện trên giấy - ông Nguyễn Kim Hùng tổng kết.

Gian nan vay vốn lập nghiệp

Một cán bộ Chi cục Phòng chống TNXH, Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: “Tôi từng tiếp xúc với nhiều người nghiện đi cai ở trung tâm. Trước khi về nơi cư trú, họ thường lo lắng 2 điều. Lo bị bạn nghiện lôi kéo, ép dùng “thuốc” trở lại và lo không tìm được việc làm - cán bộ này nói. Không ít các trường hợp kết thúc thời gian cai nghiện vẫn nằng nặc xin ở lại trung tâm, quyết tâm đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Có chung tâm lý này, anh Nguyễn Văn Hưng (tên đã được thay đổi), nhà ở phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy - “con nghiện” đang được quản lý sau cai tại nơi cư trú tâm sự: “Dù đã hơn một năm tái hòa nhập cộng đồng những tôi vẫn ở nhà nghỉ dưỡng, chăm lo việc bếp núc gia đình, tránh bị các bạn nghiện lôi kéo”. Quyết định này được cả nhà ủng hộ, bởi mọi người chứng kiến nhiều trường hợp người nghiện vừa cai xong đã “bập” ngay vào ma túy - anh Hưng lý giải.

Có dịp tiếp xúc, trò chuyện với một số cán bộ cơ sở, nghe họ kể về “hành trình” vay vốn của những người sau cai. Người nghiện muốn được xét vay vốn đương nhiên phải trong diện tiến bộ, kết quả xét nghiệm âm tính với ma túy. Ngoài đơn từ, giải trình mục đích sử dụng vốn, người nghiện phải tìm được người bảo lãnh vay tiền. Quy trình, công đoạn thẩm duyệt kéo dài… có người làm đơn vài tháng mà chưa được hỗ trợ tiền - bác Xừ, cán bộ gắn bó với công tác quản lý sau cai (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết.


Xã hội hóa quản lý sau cai

Chỉ có 4 trường hợp được hỗ trợ học nghề, 28 trường hợp được các tổ chức xã hội cho vay vốn làm ăn, trên tổng số 971 người nghiện tại địa phương, cho thấy chính quyền các quận, huyện, thị xã… còn buông lỏng, thiếu quan tâm, giúp đỡ người nghiện - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 94/2009/NĐ-CP (NĐ 94) của Chính phủ, về công tác quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn Thủ đô năm 2011, tại một hội nghị vừa được tổ chức. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, sau 2 năm điều trị cắt cơn ở trung tâm, người nghiện trở về địa phương sinh sống mà bị bỏ mặc, thì công tác cai nghiện trước đó chỉ làm chậm lại thời gian tái nghiện, chứ không giúp họ từ bỏ ma túy.

Vì sao chính quyền nhiều địa phương chưa mặn mà với quản lý sau cai và đâu là “lối thoát” cho công tác này? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Nguyễn Kim Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết: Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, do người đứng đầu cơ sở chưa quan tâm, chưa thu nạp được cán bộ nhiệt huyết với công tác này, thì còn lý do khách quan là địa phương thiếu kinh phí hoạt động. Nghị định 94/CP, quy định UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tư vấn hỗ trợ tạo việc làm, dạy nghề cho người nghiện tại cộng đồng, nhưng kinh phí của hoạt động này thì UBND TP chưa cấp. Ngân sách ở nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện ngoại thành còn khó khăn, không mặn chi những khoản này là một thực tế.