Quản lý mỹ thuật: Vẫn "nước chảy bèo trôi"?

(ANTĐ) - Các gallery vẫn mọc ra như nấm sau mưa, nhiều triển lãm mỹ thuật được tổ chức trá hình dưới dạng trưng bày để lẩn tránh việc thẩm định, xin giấy phép, các triển lãm sắp đặt, tạo hình diễn tổ chức tràn lan rồi vấn nạn tranh giả, tranh thật... Đó là những bức xúc được các quản lý, nghệ sĩ đưa ra trong hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định quản lý mỹ thuật vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Quản lý mỹ thuật: Vẫn "nước chảy bèo trôi"?

(ANTĐ) - Các gallery vẫn mọc ra như nấm sau mưa, nhiều triển lãm mỹ thuật được tổ chức trá hình dưới dạng trưng bày để lẩn tránh việc thẩm định, xin giấy phép, các triển lãm sắp đặt, tạo hình diễn tổ chức tràn lan rồi vấn nạn tranh giả, tranh thật... Đó là những bức xúc được các quản lý, nghệ sĩ đưa ra trong hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định quản lý mỹ thuật vừa được tổ chức tại Hà Nội.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Lúng túng trong quản lý hoạt động của Gallery

Sau 5 lần sửa đổi, Nghị định quản lý Mỹ thuật từ hơn 100 điều nay đã chỉ còn có 8 chương với 52 điều. Trong đó có quy định về các hoạt động mỹ thuật trên lãnh thổ Việt Nam và các hoạt động mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài bao gồm họat động triển lãm, mỹ thuật, Gallery, sao chép tác phẩm, đấu giá tác phẩm... song theo họa sĩ Đỗ Bảo, Chủ tịch hội Mỹ thuật Hà Nội thì dường như Nghị định mới chỉ dừng lại ở việc "chạy theo" để giải quyết đã nẩy sinh lâu nay mà chưa mang tinh thần của hội nhập. Ví dụ như những vấn đề lộn xộn trong hoạt động của Gallery chẳng hạn- họa sĩ Đỗ Bảo nêu dẫn chứng.

Trong dự thảo NĐ chỉ mới đưa ra 1 điều duy nhất về tiêu chuẩn đối và trách nhiệm của chủ Gallery rất chung chung như phải chịu trách nhiệm về các hoạt động tại đây hay chủ Gallery cần có chứng chỉ hoặc bằng về đào tạo quản lý nghệ thuật. Trong khi đó, các tiêu chuẩn cụ thể để cấp phép thành lập Gallery như diện tích mặt bằng, vị trí cũng như nhiều quy định khác nhằm phân loại hình Gallery để quản lý lại chưa rạch ròi cụ thể. Vì thế cũng dể hiểu khi các cửa hàng kiểu này mọc ra như nấm gây khó khăn cho nhà quản lý.

Cũng bức xúc về vấn đề này, họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng chính sự không rõ ràng trong hoạt động của Gallery đã tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị tổ chức triển lãm mỹ thuật  "lách luật".

Thay vì việc họ phải làm hồ sơ, xin cấp phép triển lãm của các đơn vị chức năng thì họ mang tác phẩm của mình đem ra trưng bày tại các Gallery. Như thế, không những các tác phẩm khi trưng bày giới thiệu rộng rãi đã "vượt mặt" hội đồng thẩm định như bất cứ một triển lãm thông thường nào mà công chúng cũng đối mặt với nguy cơ phải xem nhiều tác phẩm có nội dung, chất lượng kém.

Giải đáp về vấn đề trong khi hoạt động của các Gallery quá lộn xộn và thể hiện nhiều bất cập như vậy song trong dự thảo Nghị định quản lý Mỹ thuật lần này lại chưa đề cập kỹ càng về đối tượng này, ông Vi Kiến Thành, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm giãi bầy. Thực tế, chúng ta đang phải gánh chịu những hậu quả của việc buông lỏng quản lý hoạt động của Gallery. Đây là hoạt động vừa mang đậm mầu sắc mỹ thuật vừa mang tính chất kinh doanh như một doanh nghiệp. Nên chỉ nhìn dưới góc độ nghệ thuật hay doanh nghiệp đơn thuần để đưa ra các quy định quản lý đối với loại hình hoạt động này đều dễ xẩy ra nhiều bất cập. Những người soạn thảo Nghị định cũng đang cảm thấy lấn cấn trong vấn đề này, ông Vi Kiến Thành thừa nhận.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Sao chép tranh chưa có giải pháp thích hợp

Về vấn đề này dự thảo Nghị định quản lý mỹ thuật có đưa ra các quy định xin phép sao chép các tác phẩm tạo hình, về nội dung các bản sao chép.. Tuy nhiên theo các chuyên gia trong lĩnh vực mỹ thuật thì các quy định trên vẫn thiếu tính thực tế. Họa sĩ Đỗ Bảo đưa ra dẫn chứng: Giả sử người sao chép có ký hợp đồng sao chép hợp lệ đối với tác giả song cái đó chỉ mới có ý nghĩa về mặt văn bản vì không thể nào kiểm soát được người ta sẽ chỉ sao chép 3 bản theo đúng hợp đồng hay sao thành 10 bản để rồi sau khi bán hết bản sao nọ lại đưa bản sao kia ra. Hay như quy định việc tác giả sáng tác nhiều lần giống nhau thì phải đánh số thứ tự từ 1,2 3 đến hết vào phía sau tác phẩm và phải ghi thời gian sáng tác từng tác phẩm... cũng được đánh giá là ít mang tính khả thi.

Liên quan tới việc phổ biến, công bố các tác phẩm mỹ thuật, họa sĩ Trần Khánh Chương cũng đưa vấn đề lâu nay vẫn đang âm ỉ gây bức xúc dư luận như việc nhiều tác phẩm mỹ thuật khi hội đồng thẩm định không cho phép trưng bày triển lãm song tác giả lại được NXB chấp thuận in thành sách và phát hành rộng rãi.

Vậy, đâu vai trò và quyền hạn của người quản lý về mỹ thuật? Có nên quy định các hội đồng thẩm định mỹ thuật không thông qua thì cấm không được in không?

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng đưa ra các vấn đề đang được quan tâm như các hoạt động triển lãm mỹ thuật, việc xây dựng, bảo quản, tu bổ tượng đài, tranh hoành tráng... cũng đã được ra. Song, theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Tiến Thọ thì đây mới là nghị định thứ 2 được Bộ  tiến hành xây dựng do đó các vấn đề chỉ mới chỉ dừng ở việc xới xáo. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý có liên quan tới lĩnh vực này để có thể sớm có Nghị quyết quản lý Mỹ thuật hoàn chỉnh.

Gia Bách