Quản lý khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long: "Ông chẳng bà chuộc"

ANTĐ - Khi lệnh “cấm lên boong tàu ngắm cảnh” còn chưa rõ thực hư ra sao thì việc không cho phép tắm biển tại bãi tắm hòn Cỏ - vịnh Hạ Long lại được bổ sung thêm vào những quy định chồng chéo đang được áp dụng tại Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long khiến những đơn vị làm du lịch và du khách bối rối.

Hang Cỏ (hang Thiên Cảnh Sơn) là một điểm tham quan hấp dẫn trên vịnh Bái Tử Long

Dừng khai thác bãi tắm?

Trong thông báo số 406/TB-BQLVHL ngày 16-6-2016 của Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã chỉ rõ tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch có liên quan đến vịnh Hạ Long không được cho du khách tắm biển tại bãi tắm hòn Cỏ. Quy định này cũng áp dụng với các bãi tắm khác trên vịnh Hạ Long chưa được cấp phép.

Ngay khi quy định này được công bố, một số chủ tàu thuyền tại vịnh Hạ Long tỏ ra khá ngạc nhiên bởi họ đã kinh doanh trên bãi tắm này từ nhiều năm nay. Theo một chủ tàu hoạt động tại Hạ Long, hòn Cỏ (hay còn gọi là hang Thiên Cảnh Sơn) là một điểm du lịch hấp dẫn nằm trên vịnh Bái Tử Long.

Các tàu thuyền trên vịnh vẫn đưa khách vào điểm tham quan này với mức giá là 30.000 đồng/người, trong khoảng thời gian từ 6h30 đến 18h30 hàng ngày. Một số chủ tàu cho biết lâu nay họ vẫn thường đưa khách đến đây và chưa từng được phổ biến thế nào là bãi tắm được cấp phép cũng như chưa được cấp phép. 

Ngừng khai thác du lịch tại bãi tắm hòn Cỏ có thể hiểu là để hạn chế tình trạng các chủ tàu nhân cơ hội “ép giá” khách cũng như ngăn chặn việc các tàu trốn vé tham quan tại một số điểm du lịch trên vịnh. Tuy nhiên, quy định này đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp làm ăn đứng đắn vì đây là một điểm tham quan đã có trong hải trình từ nhiều năm nay. 

Cũng liên quan đến những quy định tương đối khó hiểu như trên, gần đây, một số du khách đã đưa lên mạng xã hội hình ảnh chủ tàu tại Hạ Long dùng dây thừng buộc vào lối đi để ngăn khách lên boong ngắm cảnh. Khi phản ánh với chủ tàu, nhóm du khách được thông tin đây là quy định mới của UBND thành phố Hạ Long, nếu không làm theo thì họ sẽ bị phạt.

Không biết do quá nghiêm túc chấp hành hay vì không hiểu rõ quy định mà các chủ tàu đã áp dụng một cách máy móc như trên khiến du khách không khỏi bức xúc. Nhiều người cho rằng quy định này là vô lý bởi đi tàu mà không được lên boong để ngắm cảnh thì không thể gọi là đi tàu nữa. 

Một chủ tàu chăng dây vào lối đi nhằm ngăn cản khách lên boong tàu

Quy định “đá” nhau

Đây không phải lần đầu tiên UBND tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long đưa ra những quy định gây khó hiểu. Ngày 6-6, UBND thành phố Hạ Long đưa ra văn bản số 2812 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn đối với tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, trong đó chỉ rõ, trong tình hình thời tiết diễn biến trên vịnh Hạ Long có dông lốc bất thường tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn đối với các phương tiện thủy, đề nghị các tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long không để khách đứng, ngồi trên mui, mạn tàu khi đang hành trình.

Tuy nhiên, do không quy định việc không đưa du khách lên boong tàu là bắt buộc hay chỉ áp dụng trong điều kiện cụ thể nào đó nên nhiều chủ tàu vì không muốn phạm luật đã áp dụng triệt để theo hướng cực đoan như ngăn lối đi bằng thanh gỗ, buộc dây thừng… để ngăn khách lên boong tàu. 

Đáng nói là ngày chỉ ít ngày sau khi ra văn bản trên, ngày 13-6, Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh tiếp tục ra văn bản số 2559/SGTVT-QLVT “Về việc hướng dẫn, giải thích các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa”.

Trong văn bản do Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh Bùi Hồng Minh ký có ghi rõ “Tàu du lịch trên vịnh Hạ Long được thiết kế có boong dạo (trên nóc khoang khách) trong đó cơ quan thiết kế đã tính toán ở trạng thái 100% khách (theo trọng tải thiết kế tàu) lên boong vẫn đảm bảo ổn định…”.

Theo văn bản này có thể hiểu, việc du khách lên ngắm cảnh trên boong tàu trong điều kiện bình thường sẽ không ảnh hưởng đến sự an toàn của tàu. Thế nhưng, việc 2 văn bản của 2 cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh bị “vênh” nhau đã khiến cho các doanh nghiệp không biết nên thực thi theo văn bản nào. Đến thời điểm này tỉnh Quảng Ninh cũng như thành phố Hạ Long chưa có phản hồi cũng như hướng dẫn thêm về việc áp dụng những quy định mới. 

Có thể thấy, những quy định quản lý chồng chéo tại Hạ Long đang làm nảy sinh sự “chống đối ngầm” của các chủ tàu du lịch. Thay vì giải thích, thuyết phục du khách không lên boong tàu để giữ an toàn cho chính họ thì doanh nghiệp lại có những hành động thái quá như chăng dây, buộc rào chắn.

Và tiếp theo đây, với quy định cấm tắm ở một số bãi biển thì sự chống đối ngầm chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Điều này cho thấy, khi mà những văn bản vẫn còn được ban hành theo kiểu “chữa cháy” và thiếu thực tế thì việc nảy sinh kiểu quản lý “ông chẳng bà chuộc” cũng là điều dễ hiểu.