Quản lý dễ dãi sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường

ANTĐ - Hôm nay (4-11), Quốc hội thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng các Dự thảo Luật Quảng cáo và Luật Giáo dục Đại học.

Nhiều ĐBQH cho rằng trong Dự Luật Quảng cáo (QC) còn một số vấn đề cần phải bàn bạc, căn chỉnh, để luật này sát với thực tiễn cuộc sống hơn. Theo ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), lĩnh vực QC liên quan đến nhiều ngành và ngày càng xuất hiện nhiều hình thức QC. Trong từng ngành có những phần việc riêng, nên Luật QC phải có những điều khoản quy định rõ trách nhiệm cụ thể.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng nếu QC hàng hóa kém chất lượng, thiếu văn hóa, ảnh hưởng không tốt đến khách hàng, nhất là trẻ em, cần xử lý nghiêm và phải đặc biệt lưu ý đến những tin nhắn “rác” có nội dung quảng cáo mang tính chất nhảm nhí, lừa đảo. Nhấn mạnh về tình trạng dễ dãi trong lĩnh vực QC hiện nay sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, ĐB Phạm Văn Gòn (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Luật QC cần nâng cao chế tài xử phạt vi phạm trong QC và trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng hình sự.

Với tư cách là người sử dụng các sản phẩm của giáo dục đại học (người tuyển dụng nguồn nhân lực), ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị dự án luật phải giải quyết được những vướng mắc đang có của giáo dục đại học, vừa phải hướng tới đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong tương lai. Nhất trí với ý kiến này, nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại vì chưa nhìn thấy tinh thần và mục đích đó được nêu trong Dự án Luật Giáo dục Đại học mới.