Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí

ANTĐ - Báo cáo thẩm tra phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 được trình bày trước Quốc hội chiều 28-7 nêu rõ, bội chi NSNN năm 2014 là 249.362 tỷ đồng, tăng 25.362 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội quyết định. So với GDP thực tế, dư nợ công nằm trong giới hạn cho phép.

Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 ra mắt Quốc hội và cử tri cả nước

Giải trình đầy đủ chứ không chỉ báo cáo cho qua

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, năm 2014, cùng với thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế, hải quan, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp là sự chỉ đạo và phối hợp tốt hơn trong công tác thu ngân sách của các cấp, các ngành. Do vậy, thu NSNN năm 2014 đã vượt 12,1% so với dự toán. Tuy vậy, công tác quản lý, hạch toán thu NSNN còn xảy ra tình trạng xử lý chứng từ nộp NSNN chưa kịp thời. Tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn khá phổ biến.

Trong phần thảo luận ở hội trường về quyết toán NSNN năm 2014, đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) băn khoăn, về lập dự toán, tại sao năm nào cũng có tình trạng vượt dự toán, dù các cơ quan liên quan vẫn hết sức nỗ lực? Vượt thu là có thưởng như luật đã quy định nhưng điều này là không công bằng với các tỉnh còn khó khăn vì họ có cố cũng không vượt được. Trong khi đó, chi luôn không sát thực tế, bị điều chỉnh nhiều lần. Nợ thuế ở ngành thuế lại tăng, dù chúng ta vẫn nói chống thất thu, thu đủ, thu đúng.

Về dự án chậm tiến độ cần điều chỉnh lớn như dự án Cát Linh - Hà Đông, nhà sinh viên không có người ở, trường nghề không có người học… ai chịu trách nhiệm? Bên cạnh đó, chi thường xuyên hầu hết vượt định mức. “Theo tôi, đây là việc làm “tiền trảm hậu tấu”. Bội chi ngân sách khá lớn chứng tỏ việc chấp hành pháp luật không nghiêm. Tôi đề nghị làm rõ vấn đề này, Chính phủ cần có giải trình đầy đủ chứ không chỉ báo cáo Quốc hội cho qua, quyết toán cho xong” - đại biểu Ngô Văn Minh kiến nghị. 

“Trăm dâu đổ đầu tằm”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại trước cấp độ nợ công tăng nhanh, hiệu quả công tác quản lý nợ công còn nhiều hạn chế, một số doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về lãi suất, tỷ giá, sử dụng vốn không hiệu quả gây khó khăn trong trả nợ, một số địa phương vay nhưng không bố trí dự toán trả nợ, thậm chí không có khả năng trả nợ. Như vậy tất cả “trăm dâu đổ đầu tằm”, trách nhiệm đổ lên đầu Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhanh chóng tìm ra giải pháp tránh tình trạng để nợ công phi mã.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết những tồn tại mà báo cáo kiểm toán đã đưa ra. Song vấn đề đặt ra là, vì sao tăng thu cao nhưng bội chi NSNN vẫn cao hơn dự toán? Báo cáo kiểm toán đã nêu ra nhiều tồn tại trong chấp hành kỷ cương, kỷ luật NSNN, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức. Để khắc phục vấn đề này cần rà soát lại cho phù hợp với thực tế. 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ nhanh chóng kiểm tra, thanh tra những đơn vị đã được nêu trong báo cáo kiểm toán vi phạm pháp luật trong việc sử dụng NSNN nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tránh tình trạng vi phạm lặp đi lặp lại. Còn theo đại biểu Quốc hội Bùi Minh Châu (đoàn Phú Thọ), việc chi cho sự nghiệp giáo dục cần xã hội hóa nhằm tạo nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chất lượng của việc chi cho khoa học công nghệ, chứ không nên cố định là 2%.

Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 ra mắt

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 28-7, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố; với 97,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Với 96,56% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố và Quốc hội thông qua các Nghị quyết trên, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã ra mắt Quốc hội.

Cũng trong chiều 28-7, Quốc hội đã nghe Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2017, biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập đoàn giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016”.