Quan hệ Việt-Mỹ sẽ ngày càng được củng cố vững chắc hơn

ANTĐ - Nhân dịp Tiến sĩ David Merkowitz, nguyên Phó Giám đốc truyền thông của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ, nguyên Giám đốc Quản lý công, Hội đồng giáo dục Hoa Kỳ đến Việt Nam cùng vợ theo chương trình giảng dạy tại Học viện Cảnh sát nhân dân, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng ông.  

Quan hệ Việt-Mỹ sẽ ngày càng được củng cố vững chắc hơn ảnh 1Ông David Merkowitz cùng vợ và sinh viên Việt Nam tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám

- PV: Lần đầu tiên đến Việt Nam ông có ấn tượng gì?

- Tiến sĩ David Merkowitz: Tôi ấn tượng nhất là về con người. Tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc có vẻ như đều rất thân thiện, cởi mở và tự tin. Đặc biệt là sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân. Tôi có một buổi thuyết trình tại đây và tôi thấy họ rất nhiệt tình, thông minh và hài hước.

Ấn tượng thứ hai là về giao thông. Tôi chưa từng nhìn thấy nhiều xe máy như vậy trên đường phố, cảm giác như họ chỉ cách nhau vài centimet. Đèn giao thông dường như chỉ là một gợi ý, tuy nhiên rất mừng là không có tai nạn xảy ra.

Tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều cửa hàng, doanh nghiệp tư nhân trên phố, tôi không biết là kinh tế của Việt Nam lại phát triển đến như vậy. 

- Có nghĩa là hình dung của ông về Việt Nam trước khi tới đây là hoàn toàn khác?

- Trước khi đến Việt Nam, tôi không biết nhiều về đất nước các bạn, ngoài cuộc chiến tranh. Ngoài ra, những người bạn trở về sau chuyến du lịch Việt Nam cũng cho chúng tôi biết một số thông tin. Khi đến đây, chúng tôi đã trải qua những cảm xúc mãnh liệt trong suốt chuyến đi, một phần do ảnh hưởng của lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ. Chúng tôi đã sống xuyên qua cuộc chiến tranh đó, đã từng tham gia biểu tình phản đối, yêu cầu chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Và tôi đã tận mắt thấy hậu quả dai dẳng của nó, nhiều nơi chúng tôi đi qua vẫn còn hằn in dấu vết đói nghèo.

Tôi cũng tới tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và thấy những bức ảnh về thời điểm Hà Nội bị hủy diệt. Điều mà chúng tôi thấy được là Việt Nam đã đạt  một tiến bộ lớn so với 40 năm trước, dù rằng vẫn còn một chặng đường xa để đem lại cuộc sống chất lượng cao cho tất cả mọi người. Ngay cả nước Mỹ cũng chưa đạt được điều đó. 

- Là một người phản đối chiến tranh Việt Nam, ông đã cảm thấy thế nào sau sự kiện bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ năm 1995?

- Theo tôi thì đáng lẽ nó nên xảy ra sớm hơn. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ở Việt Nam cũng như trên thế giới có 2 luồng dư luận, một số phản đối, còn một số ủng hộ bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Đối với một số người thì không dễ gì quên đi quá khứ. Nước Mỹ đã trải qua một thời kỳ khó khăn. Song đến giờ thì ít ai còn nghĩ về cuộc chiến đó. Điều đáng tiếc là người Mỹ dường như đã quên bài học chiến tranh.

Thỉnh thoảng tôi có đến thăm Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C. Nhiều người Mỹ cũng đến để đặt hoa trước bức tường ghi tên người thân và bạn bè, những người đã chết trong cuộc chiến. Bức tường nhắc mọi người rằng đã có rất nhiều người chết vì chiến tranh, và nước Mỹ phải ghi nhớ điều này.

- Vậy ông đánh giá thế nào về bước phát triển tiếp theo trong quan hệ Việt-Mỹ?

- Tôi nghĩ sẽ hết sức tích cực, bởi 2 khía cạnh. Thứ nhất đó là mối quan hệ đặc biệt vì chính lịch sử chung giữa hai nước. Thứ hai, giống như các mối quan hệ ngoại giao khác trên thế giới, nó mang lại lợi ích chung. Như bạn biết, Tổng thống B.Obama đang thực thi chiến lược xoay trục và trở lại châu Á - xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với các quốc gia xung quanh Trung Quốc. 

Đối với chính sách xoay trục của Mỹ, Việt Nam sẽ được hưởng lợi; đồng thời Mỹ cũng được hưởng lợi vì Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc, việc Việt Nam mạnh lên liên quan đến lợi ích của Mỹ. Bởi vậy đó sẽ là mối quan hệ tăng tiến, qua thời gian sẽ ngày càng được củng cố vững chắc hơn.

- Mỹ là một trong số các quốc gia phản đối gay gắt hành động gây hấn cũng như quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Quan điểm của ông xung quanh sự việc này?

- Tôi thấy Mỹ đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng Trung Quốc cần tôn trọng quy tắc quốc tế, hợp tác hơn là phớt lờ chúng và dần dần thôn tính các khu vực khác. Trung Quốc thì vẫn sẽ theo đuổi ý định đó, tuy nhiên họ cũng đang phải đối mặt với những khó khăn lớn trong kinh tế và điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách của nước này.  

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Những người bạn bên kia bán cầu

Tiến sĩ Carol Pearson (ĐH Maryland) giảng dạy chương trình thạc sĩ tại Học viện Cảnh sát nhân dân

Tiến sĩ David Merkowitz và vợ, Tiến sĩ Carol Pearson là hai trong số những trí thức Mỹ yêu mến Việt Nam. Trong những năm 1960, phong trào phản chiến ở Mỹ lên cao, ông và vợ đã nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh, đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam. Khi Tiến sĩ Carol được mời giảng dạy trong Chương trình đào tạo thạc sỹ liên kết của Học viện Cảnh sát nhân dân với Đại học Tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ, cả hai đã rất hồi hộp khi cuối cùng cũng có cơ hội đến với đất nước mà họ nặng lòng nhưng lại mới chỉ được biết qua báo đài.

Tiến sĩ David cũng đã dành thời gian lên lớp với sinh viên một buổi để chia sẻ những kiến thức, hiểu biết của ông nhiều nhất trong khả năng có thể. Vợ chồng ông coi việc nâng cao trình độ trí thức trẻ là một cách góp phần giúp đỡ Việt Nam vươn lên, thoát khỏi hoàn toàn di chứng chiến tranh và ngày càng giàu mạnh.

Giống như vợ chồng Tiến sĩ Merkowitz, trong suốt mấy thập kỷ qua, rất nhiều người Mỹ đã tích cực tham gia vào quá trình thúc đẩy bình thường hóa quan hệ hai nước, nhiều người đã đến và trở lại Việt Nam, mang theo tình cảm và cả của cải vật chất cũng như cơ hội để giúp người Việt Nam thoát nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, cải thiện cuộc sống.

Chúng ta không quên những khổ đau mất mát trong chiến tranh, không quên quá khứ, nhưng chúng ta cũng phải sống với hiện tại và tương lai để trân trọng những tấm lòng như vậy. Họ đã và sẽ là những người xây nên những cây cầu kết nối Việt Nam với Mỹ, giúp Việt Nam hội nhập và phát triển hơn. Và hơn bao giờ hết, họ cũng sẽ là những người tích cực góp tiếng nói của mình để ngăn chặn, không để chiến tranh hay xung đột xảy ra thêm một lần…   

Gia Vinh