Quan hệ Trung - Mỹ ngày càng tồi tệ, căng thẳng

ANTĐ - Phải đối mặt với những áp lực chính trị gia tăng trong nước, cả hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang chứng kiến những căng thẳng kinh tế bùng phát tới mức tồi tệ nhất nhiều năm trong lĩnh vực tiền tệ và thương mại. Cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ ở Bắc Kinh mới đây được tổ chức nhằm mục đích giải quyết những bất đồng dai dẳng giữa hai nước, song sự kiện này đã kết thúc với những kết quả rất hạn chế. 

Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ lần thứ tám ở Bắc Kinh

Rắc rối thương mại gia tăng

Trung Quốc đã hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp so với đồng đôla Mỹ (USD) trong vòng 5 năm qua nhằm giành lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã phản kích bằng một loạt cáo buộc thương mại và những khoản thuế đối với một số ngành hàng Trung Quốc, từ món chân gà tới thép cuộn dùng trong các thiết bị và các bộ phận ôtô.

Nước Mỹ, đang chứng kiến những giọng điệu chống Trung Quốc tăng cao trong cuộc bầu cử Tổng thống, muốn Trung Quốc phải xúc tiến những chính sách đã cam kết về việc mở cửa thị trường và cho phép đầu tư quốc tế hơn nữa. Mỹ cũng áp đặt thuế nhập khẩu 267% đối với thép cuộn của Trung Quốc với cáo buộc rằng Bắc Kinh bán sản phẩm với giá thấp hơn chi phí sản xuất.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại trước sự giảm tốc kinh tế sâu hơn (hiện tăng trưởng ở mức 6,7%), đang cố gắng duy trì hoạt động của các xí nghiệp và ngăn chặn sự bất ổn thị trường đã hạn chế các nhà đầu tư trong năm qua. Theo ông John 

Ferriola, Giám đốc điều hành Tập đoàn thép Nucor Corp ở Bắc Carolina: “Với việc hỗ trợ năng lực sản xuất dư thừa, Chính phủ Trung Quốc đang can dự vào cuộc chiến kinh tế chống lại Mỹ. Hàng nghìn công nhân Mỹ mất việc bởi những hoạt động giao thương bất hợp pháp, gian lận này”. 

Năm 2000, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Washington coi thương mại mở rộng là chất xúc tác cho sự thay đổi về chính trị ở Trung Quốc. Các công ty Mỹ hy vọng sẽ tận dụng quá trình công nghiệp hóa của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Một thập kỷ rưỡi sau, các công ty và cử tri Mỹ đang ngày càng trở nên thất vọng cho dù Trung Quốc cam kết mở cửa kinh tế.

Tiền lương và chi phí rẻ hơn đã kéo các dây chuyền sản xuất rời khỏi nước Mỹ, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt và sản xuất ở Mỹ giảm xuống. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc phình ra tới 365 tỷ USD, tương đương 2% sản lượng kinh tế Mỹ.  

Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang thúc đẩy mức độ tức giận đối với Trung Quốc thành các lá phiếu ủng hộ. Nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi sự tăng trưởng của Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ nhất cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, người đã dọa sẽ đánh 45% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc như là cách để buộc Bắc Kinh thay đổi chính sách thương mại. 

Chính quyền Obama cũng chỉ ra việc Trung Quốc định giá đồng NDT thoáng hơn kể từ năm 2005, các cuộc đàm phán về hiệp định đầu tư song phương được nối lại và những cam kết của Bắc Kinh cho phép các thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế như bằng chứng cho thấy ngoại giao nước này đã đạt được những thành tựu.

Tuy nhiên, việc hạ giá đồng NDT vừa qua và những trở ngại tiếp diễn cản trở các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc đe dọa sẽ phá hoại những bước tiến này. Jeremie Waterman, Ủy viên Phòng Thương mại Mỹ phụ trách về Trung Quốc, cho biết: “Nếu Trung Quốc vẫn đóng kín sẽ ngày càng có nhiều quan ngại về sự bất cân bằng gia tăng trong đầu tư”.

Đối thoại đạt kết quả hạn chế

Trong bối cảnh đó, hai nước đã tổ chức cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ lần thứ tám. Sau 2 ngày làm việc, hàng loạt bất đồng giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết do cả hai bên đều đang ở trong quá trình chuẩn bị cho sự thay đổi nhân sự cấp cao cùng những bất ổn về kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết, các quan chức Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết không hạ giá đồng NDT vì mục đích cạnh tranh, đồng thời cam kết không phát triển ngành công nghiệp thép là tín hiệu tích cực, song những đảm bảo tương tự đã không được đưa ra cho các ngành công nghiệp khác.

Bắc Kinh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận thị trường tài chính của nước này vốn bị quản lý chặt chẽ, cho phép các nhà đầu tư Mỹ mua một lượng cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trị giá tới 250 tỷ NDT (khoảng 38,1 tỷ USD). Hai nước cũng đã đồng ý chỉ định các ngân hàng tại Mỹ được phép thực hiện các giao dịch bằng đồng NDT, điều này sẽ thúc đẩy sử dụng rộng rãi hơn đồng NDT của Trung Quốc tại Mỹ. 

Đối thoại Mỹ - Trung lần thứ tám diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng sau khi Mỹ tiến hành các hành động thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo, bãi đá và các vùng biển tranh chấp. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị dường như đã bị “kẹt” trong vấn đề Biển Đông.

Ông Kerry bày tỏ quan ngại về các hoạt động đơn phương của “bất kỳ bên nào” - ám chỉ các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông - và kêu gọi các bên tranh chấp nên kiềm chế đồng thời tuyên bố Mỹ ủng hộ các giải pháp hòa bình dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế. Đáp lại, ông Vương Nghị kêu gọi Mỹ “tôn trọng lời hứa” không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền. Ông này cũng lặp đi lặp lại rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Ông Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định rằng các mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục bị căng thẳng bởi những vấn đề thương mại và chiến lược.

Theo chuyên gia này, 77% số công ty Mỹ cho biết họ nhận thấy môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên kém thân thiện hơn. Có rất nhiều mối lo ngại về những chính sách công nghiệp của Trung Quốc và sự minh bạch của tiến trình hoạch định chính sách của Bắc Kinh. Ông Kennedy cũng cho rằng Bắc Kinh đang ra sức cạnh tranh với Mỹ trong nhiều lĩnh vực và Washington nên kiên nhẫn vì các mối căng thẳng phải mất nhiều thời gian để giải quyết.