Quan hệ quốc tế căng thẳng vì "Hồ sơ Panama"

ANTĐ -  Không lâu sau khi tuyên bố đưa Panama trở lại danh sách “các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác”, Chính phủ Pháp tiếp tục kêu gọi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa Panama vào “danh sách đen” các “thiên đường trốn thuế” sau vụ rò rỉ  “Hồ sơ Panama”. 

Quan hệ quốc tế căng thẳng vì "Hồ sơ Panama" ảnh 1

“Hồ sơ Panama” ảnh hưởng tới nhiều chính trị gia trên toàn thế giới

Pháp nhấn mạnh vụ việc đã cho thấy quốc gia Trung Mỹ này có xu hướng quay lại “vết xe đổ” trước đây và điều này không được phép tái diễn. Paris kêu gọi các quốc gia khác có động thái tương tự. Pierre Moscovici, người phụ trách các vấn đề tài chính của Liên minh châu Âu (EU), nhận xét về vụ bê bối liên quan tới “Hồ sơ Panama”: “Mọi người đã chán ngấy những sự vi phạm trắng trợn kiểu này… Số tiền, tên tuổi và địa vị xã hội của các cá nhân liên quan thực sự là một cú sốc lớn”.

Panama bị EU liệt vào danh sách các quốc gia không hợp tác xử lý các vụ việc liên quan tới thuế và ông Moscovici kêu gọi nước này “cân nhắc lại quan điểm của mình sau những diễn biến vừa qua”. Ông Pierre Moscovici cho biết EU “sẵn sàng áp đặt những lệnh trừng phạt cần thiết nếu các nước này không thay đổi”. Không chỉ nhằm vào Panama, EU còn đang nhắm tới nhiều “thiên đường thuế” khác trên thế giới, nơi cho phép nhiều cá nhân và tổ chức mở các tài khoản bí mật. 

Còn tại châu Phi, Algeria đã triệu Đại sứ Pháp tại nước này đến để phản đối về điều mà Algeria gọi là “chiến dịch thù địch” nhằm vào quốc gia Bắc Phi này liên quan đến “Hồ sơ Panama”. Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra đã bày tỏ “phản đối mạnh mẽ về việc truyền thông Pháp, trong đó có tờ Le Monde đã đăng tải trên trang nhất hình ảnh Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika là một trong những nhà lãnh đạo được nhắc tới trong vụ “Hồ sơ Panama”.

Theo phía Algeria, nước này đã kiểm tra kỹ và không phát hiện thấy tên nhà lãnh đạo Algeria được nhắc tới trong số những tài liệu bị rò rỉ. Trong khi đó, trang mạng Wikileaks, vốn cũng rất nổi tiếng với các vụ tiết lộ thông tin mật thời gian qua thì khẳng định Trung tâm Nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP) của Mỹ, tham gia vụ công bố “Hồ sơ Panama” đã cố ý tìm cách bôi nhọ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Wikileaks cho rằng điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính trung thực và quý giá của hồ sơ này. 

Những thông tin trên cùng với sức ép mà Chính phủ các nước có nhân vật hay chính trị gia được nhắc tới trong “Hồ sơ Panama” đang gây ra sự hoang mang tại nhiều quốc gia. Cho tới nay, vụ bê bối này đã khiến Thủ tướng Iceland phải từ chức, trong khi dư luận vẫn đang đặt câu hỏi về sự liên quan tới các hành vi sai phạm của Tổng thống Ukraine, các chính trị gia cấp cao của Trung Quốc, các diễn viên, cầu thủ nổi tiếng và cả các cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin - người bị cáo buộc là hưởng lợi gián tiếp từ các tài khoản trốn thuế này. Ngày 7-4, Thủ tướng Anh David Cameron thừa nhận rằng trước khi đắc cử, ông đã được hưởng lãi từ các khoản đầu tư của cha mình ở một “thiên đường thuế”. 

Kể từ khi các tài liệu đầu tiên liên quan tới Mossack Fonseca được công bố ngày 3-4 vừa qua, nhiều chính trị gia hàng đầu, ngôi sao và doanh nhân nổi tiếng có tài sản hoặc hoạt động kinh doanh ở nước này đã phải đối mặt với sự bất bình của dư luận.

Ngày 7-4, tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung - nơi đầu tiên tiếp cận nguồn tài liệu này hơn 1 năm về trước và Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) - Tổ chức đóng vai trò chính trong việc phơi bày các tài liệu gây chấn động này - cho biết họ sẽ không công bố toàn bộ các tài liệu cho công chúng hay các cơ quan hành pháp bởi điều này là không có lợi cho cộng đồng.

Trong khi đó, Fonseca cho biết Hãng luật của ông đã thuê các chuyên gia để điều tra và đã phát hiện được cách người ta đột nhập hệ thống dữ liệu và ăn cắp thông tin của hãng. Ông Fonseca phủ nhận ý kiến cho rằng nguồn tin bị rò rỉ từ nội bộ hãng luật và khẳng định vụ rò rỉ thông tin này do “ai đó” ở châu Âu âm mưu tiến hành. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu những thông tin mà “Hồ sơ Panama” đưa ra sẽ đẩy quan hệ giữa các nước trong vấn đề quản lý tài chính đi tới đâu trong thời gian tới? Liệu thực sự có “bàn tay” của Mỹ trong vụ việc này hay không?... Trước câu hỏi của nhiều người về việc trong báo cáo điều tra của ICIJ về “Hồ sơ Panama”, không hề thấy nhắc tới tên các chính trị gia nổi tiếng của Đức hay Mỹ, tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức cho biết những cái tên này chưa được tìm thấy trong số tài liệu này.

Tờ báo cũng cho biết trong số những tài liệu bị rò rỉ có bản sao hộ chiếu của khoảng 200 người Mỹ và 3.500 cổ đông trong các công ty nước ngoài hoạt động tại Mỹ. Ông Fonseca cũng nói rằng số khách hàng là người Mỹ của Hãng luật Mossack Fonseca không nhiều và chủ yếu là những người xa xứ hiện sinh sống tại Panama. Ông cho biết ông và Jurgen Mossack, người Đức và đồng sáng lập Hãng luật này, trong những năm qua chủ yếu phát triển công việc làm ăn tại Panama và các nước Mỹ Latinh.