Quân đội Trung Quốc cơ động hơn nhờ máy bay vận tải

ANTĐ -  Trung Quốc đang tập trung cải thiện khả năng cơ động của quân đội qua việc phát triển các máy bay không vận thế hệ thứ 2, tờ Huanqiu của Trung Quốc cho biết.

Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20, được phát triển bởi công ty công nghiệp máy bay Tây An, đã hoàn thành màn trình diễn đầu tiên trước công chúng ở triển lãm hàng không Chu Hải, diễn ra tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ 11 đến 16-11.

Y-20 được cho là có thể sánh ngang với máy bay vận tải 4 động cơ Il-76 được chế tạo bởi Ilyushin của Nga và C-17 III Globemaster, chế tạo bởi hãng Boeing của Mỹ.

Quân đội Trung Quốc cơ động hơn nhờ máy bay vận tải ảnh 1

Máy bay vận tải Y-20

Với trọng tải tối đa từ 55 đến 65 tấn, Y-20 có thể mang ra chiến trường cùng lúc nhiều xe bọc thép hoặc hệ thống phòng không, cũng như di chuyển binh lính Trung Quốc đến nhiều vùng lãnh thổ một cách nhanh chóng.

Cùng xuất hiện trong triển lãm Chu Hải còn có mẫu concept mới nhất của máy bay vận tải Y-30, sử dụng 4 tuabin phản lực cánh quạt. Với khoang chở hàng rộng và giá thành rẻ hơn do việc sử dụng các vật liệu tổng hợp, Y-30 sẽ sớm thay thế máy bay Y-8, phiên bản Trung Quốc của máy bay vận tải Liên Xô An-12. Nó có tổng trọng lượng 80 tấn, ngang bằng Lockheed Martin C-130 Hercules của Mỹ, nhưng lại trở được tối đa 30 tấn, hơn hẳn đối thủ từ Mỹ, chỉ mang được 20 tấn hàng.

Quân đội Trung Quốc cơ động hơn nhờ máy bay vận tải ảnh 2

Mô hình máy bay vận tải Y-30 ở triển lãm Chu Hải vừa qua

Các chuyên gia tin rằng Y-30 được trang bị công nghệ cất và hạ cánh mới, giúp nó hoạt động được ở nhiều địa hình khác nhau, tuy nhiên, phải cần vài năm để Trung Quốc biến điều này thành hiện thực.

Những sự phát triển này cho thấy Trung Quốc đang chú ý tới cải thiện khả năng cơ động của quân đội nhờ việc nâng cấp và làm mới những mẫu máy bay vận tải cỡ lớn, nhưng đơn giản và không tốn quá nhiều chi phí.

Kể từ những năm 1990, đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc trong việc chế tạo Y-8 và phát triển Y-9 là văn phòng thiết kế Antonov của Ukraine. Tuy nhiên, với tình hình chính trị bất ổn hiện tại ở nước này, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm sự hỗ trợ kĩ thuật từ các chuyên gia nghiên cứu độc lập hoặc tự phát triển dựa vào các kiến thức chuyên môn có sẵn trong nước.