Quân đội Ấn Độ đối mặt với mùa đông khắc nghiệt ở biên giới dọc theo dãy Himalaya

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ đối mặt nhiều thách thức khi bảo vệ biên giới kéo dài dọc theo dãy núi Himalaya. Hiện chỉ còn vài tuần để nước này đảm bảo rằng 4 sư đoàn hiện đang được triển khai ở Ladakh, với quân số khoảng 40.000 người ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên cương trong suốt mùa đông tới.
Các xe tải quân sự chở đồ tiếp tế tiến về các khu vực biên giới Ladakh hôm 15-9

Các xe tải quân sự chở đồ tiếp tế tiến về các khu vực biên giới Ladakh hôm 15-9

Ngôi làng tiếp tế cho binh sĩ Ấn Độ

Ở độ cao gần 1.500m, cư dân của làng Chushul quanh năm sống trên vùng núi hoang vu, khắc nghiệt của bang biên giới Ladakh, Ấn Độ. Gùi những bao tải gạo và đồ dùng thiết yếu, 100 dân làng lê bước lên đỉnh núi Himalaya, nơi có hàng trăm lều của quân đội đóng quân. Với họ, nếu không giúp binh sĩ chuẩn bị đầy đủ cho mùa đông sắp tới thì có thể quân đội Ấn Độ không giữ được chốt và ngôi làng của họ có thể sớm nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn giúp quân đội Ấn Độ. Hàng tiếp tế cho họ được thực hiện nhiều đợt trong một ngày, để đảm bảo rằng binh sĩ không gặp quá nhiều vấn đề”, Tsering, một tình nguyện viên 28 tuổi đến từ Chushul, cho biết.

Chushul, ngôi làng với khoảng 150 hộ gia đình, là một trong những nơi cư trú gần nhất với biên giới tranh chấp của Ấn Độ với Trung Quốc ở phía Đông Ladakh. Vào mùa đông, nhiệt độ ở đây có lúc xuống tới âm 40 độ C, toàn bộ khu vực gần như bị cắt đứt hoàn toàn bởi tuyết, băng và những trận lở tuyết chết.

Kể từ tháng 5, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra tranh chấp ngày càng gay gắt về đường biên giới trên dãy Himalaya được gọi là Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC). Đỉnh điểm là cuộc đụng độ bạo lực giữa đôi bên hồi tháng 6 làm ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đánh dấu thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng ở biên giới hai nước trong hơn 4 thập kỷ.

Tại cuộc họp ở Matxcơva vào trung tuần tháng 9-2020, Bộ trưởng Quốc phòng của Ấn Độ và Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung đồng ý “rút quân càng sớm càng tốt” dọc theo biên giới của họ. Trước đó, họ đã tổ chức 5 vòng đàm phán quân sự cấp cao mà cả hai bên đều đổ lỗi cho bên kia xâm phạm lãnh thổ có chủ quyền.

Tuy nhiên, theo dân làng Chushul, vẫn chưa thấy dấu hiệu về việc rút quân. Trong tuần qua, một đoàn xe của quân đội Ấn Độ tiếp tục mang đồ tiếp tế và đạn dược cho quân lính đóng quân ở các đồn dọc biên giới. Khoảng 100 máy xúc đã được điều đến để xây dựng đường sá và nhà cửa nhằm củng cố các vị trí cắm chốt của binh sĩ Ấn Độ. Đáng chú ý, khu vực mà cuộc đối đầu diễn ra gần đây vẫn chưa có đường, chưa nói đến cơ sở hạ tầng.

Ở nơi biên cương “nóng bỏng” giữa trời buốt giá

Quân đội Ấn Độ đã chi hàng tỷ USD cho quốc phòng dọc biên giới Trung Quốc, bao gồm cả một đường hầm mới trị giá 400 triệu USD vào vùng núi ở Himachal Pradesh, nhưng duy trì hàng chục nghìn quân ở nơi hoang mạc trên cao này là một nhiệm vụ phức tạp và tốn kém. Khu vực này không có các kênh liên lạc thích hợp và điện vẫn chưa đến được nhiều ngôi làng. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gấp 3 lần quy mô của Ấn Độ.

Ông Tashi Chhepal, 60 tuổi, là đại úy quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu. Hơn 30 năm phục vụ tại chiến trường này, ông mô tả: “Vào mùa đông, chúng tôi bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài có khi tới 5 tháng. Mọi thứ đều đóng băng. Binh sĩ dựa vào thực phẩm đóng gói bằng thiếc. Hiện hệ thống liên lạc vẫn không thay đổi gì nhiều trong nhiều năm”.

Còn ông Pravin Sawhney, một cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ, cho biết Ấn Độ đã “hoàn toàn bất ngờ” trước những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc dọc biên giới. “Trung Quốc vượt trội hơn nhiều. Họ đã có internet cáp quang đến tận rìa không gian chiến đấu”, ông Sawhney nói.

Thiếu tướng quân đội Amrit Pal Singh, cựu giám đốc hậu cần tại khu vực Leh, cho biết công tác hậu cần chuyển quân và vật tư đến khu vực biên giới này khi mùa đông bắt đầu là một thách thức không giống bất kỳ thử thách nào đối với quân đội Ấn Độ. “Đây là chiến trường biệt lập nhất trên thế giới”, ông nói.

Tại cuộc họp ở Matxcơva vào trung tuần tháng 9-2020, Bộ trưởng Quốc phòng của Ấn Độ và Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung đồng ý “rút quân càng sớm càng tốt” dọc theo biên giới của họ. Trước đó, họ đã tổ chức 5 vòng đàm phán quân sự cấp cao mà cả hai bên đều đổ lỗi cho bên kia xâm phạm lãnh thổ có chủ quyền.