Quan điểm cứng rắn của Tổng thống Donald Trump với người nhập cư để bảo vệ nước Mỹ

ANTD.VN - Giấc mơ Mỹ của hàng nghìn người di cư Trung Mỹ khả năng lớn sẽ tan thành mây khói khi Chính phủ của Tổng thống Donald Trump kiên quyết dùng biện pháp cứng rắn kiểm soát nhập cư để bảo vệ lợi ích và an ninh cho nước Mỹ.

Một tháng rưỡi sau khi xuất phát từ  Honduras, đoàn người di cư Trung Mỹ đã đến thành phố Tijuana thuộc bán đảo Baja California (Mexico) giáp với Mỹ vào tuần trước. Hơn 5.600 người được chính quyền Tijuana tập trung tại một sân vận động trong khi chờ 2 nước Mexico và Mỹ bàn tính cách giải quyết. Trong số này có hơn 1.700 trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, 310 trẻ em dưới 5 tuổi. 85% người trong đoàn đến từ Honduras, còn lại là từ Guatemala, El Salvador, Nicaragua. Không rõ số phận của đoàn người này ra sao và cách thức giải quyết của nhà chức trách như thế nào, nhưng chắc chắn là Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn áp dụng biện pháp cứng rắn.

Quan điểm cứng rắn của Tổng thống Donald Trump với người nhập cư để bảo vệ nước Mỹ ảnh 1Hỗn loạn và nguy hiểm nhưng nhiều gia đình nhập cư vẫn liều lĩnh xâm nhập nước Mỹ từ khu vực biên giới Tijuana, Mexico 

Xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico

Đầu năm 2018, Chính phủ Mỹ đã  xây dựng bức tường biên giới ngăn cách với Mexico. Thời gian gần đây, lực lượng quân đội đã được tăng cường tại khu vực biên giới trong bối cảnh đoàn hàng nghìn người di cư đang tiến gần tới biên giới Mỹ - Mexico, tìm cách vào Mỹ. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2018, Mỹ đã bắt giữ hơn 50.000 người vượt biên trái phép. Con số này đủ để nhiều người dân vùng biên lo ngại và ủng hộ các biện pháp mạnh tay của Chính phủ.

Trên thực tế, từ nhiều năm trước, Mỹ đã cho xây dựng một bức tường rào sắt dài 1.000km dọc theo chiều dài hơn 3.000 km tại khu vực biên giới Mỹ - Mexico. Nhưng nhiều người nhập cư vẫn “vượt rào” sang Mỹ trái phép.

Trước tình hình trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định xây dựng một bức tường mới, cao lớn và vững chắc để giải quyết triệt để vấn đề này. Quốc hội Mỹ hồi đầu năm 2018 chỉ phê duyệt 1,6 tỷ USD cho việc đảm bảo an ninh biên giới, trong đó có xây tường rào, trong khi Tổng thống Donald Trump đề nghị cấp 25 tỷ USD. 

Quyết định này của Tổng thống Mỹ đã gây ra không ít tranh cãi, đặc biệt là khi Chính phủ nước này quyết định đẩy nhanh quá trình thi công bằng cách miễn áp dụng Luật Môi trường, tài nguyên thiên nhiên và quản lý đất đai. 

Luật chia cách cha mẹ nhập cư và con cái

Đầu tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ tiếp tục đưa ra một chính sách không khoan nhượng mới đối với những người nhập cư trái phép vào Mỹ. Theo đó, ông cho phép lực lượng chức năng tìm kiếm và bắt giữ toàn bộ những người nhập cư bất hợp pháp trên toàn phạm vi lãnh thổ Mỹ, bao gồm cả những người đang làm thủ tục xin tị nạn. 

Điều đáng nói ở đây là trong số những người vượt biên trái phép vào lãnh thổ Mỹ để mưu sinh, không ít người đem theo gia đình, con cái. Vì trẻ em không thể bị đưa tới các cơ sở tạm giam, nên chúng đã bị tách khỏi cha mẹ và chuyển tới những khu cách ly trong trại tập trung. 

Theo số liệu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, từ ngày 5-5-2018 đến 9-6-2018, đã có 2.342 trẻ em bị tách ra khỏi 2.206 người lớn là cha, mẹ chúng. Những con số trên đã khiến Chính phủ Mỹ vấp phải sự phản đối và lên án của dư luận trong nước và quốc tế. Các tổ chức nhân đạo cho rằng, Tổng thống Mỹ đã vi phạm nặng nề quyền con người khi chia tách trẻ em với cha mẹ chúng như vậy. 

Thời điểm này, tình hình Mỹ trở nên vô cùng căng thẳng, hàng trăm nghìn người dân trên toàn lãnh thổ nước này đã đổ ra đường biểu tình phản đối chính sách mà Tổng thống Mỹ ban hành, đồng thời kêu gọi giải thể Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), vốn bị chỉ trích là đã đối xử không công bằng với người nhập cư.

Không thể phủ nhận nhập cư bất hợp pháp là một trong những vấn đề nhức nhối tại Mỹ. Theo thống kê của Bộ An ninh nội địa Mỹ, trong năm 2017, giới chức Mỹ đã bắt giữ gần 150 nghìn lượt người nhập cư trái phép, tăng 30% so với năm trước đó. Trong tháng 5-2018, tổng cộng người nhập cư trái phép bị bắt là 51,9 nghìn, gần gấp 3 lần con số của tháng 5-2017.

Trong khi những người ủng hộ ông Donald Trump cho rằng những biện pháp này là cần thiết nhằm giảm thiểu các nguy cơ mất ổn định an ninh cho người dân nước Mỹ, thì cũng có không ít ý kiến phản đối với quan điểm những chính sách như vậy thể hiện sự phân biệt đối xử. Thậm chí nhiều đối tác của ông Donald Trump và chính khách đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại rằng chính sách này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế và đi ngược lại các giá trị mà lâu nay nước Mỹ theo đuổi. Cuộc chiến pháp lý này kéo dài suốt vài tháng tại Mỹ. Người đứng đầu Nhà Trắng đã phải nhượng bộ ký sắc lệnh chấm dứt chính sách trên và tiến hành các thủ tục pháp lý để trẻ em của các gia đình nhập cư được đoàn tụ với cha mẹ. 

Quan điểm cứng rắn của Tổng thống Donald Trump với người nhập cư để bảo vệ nước Mỹ ảnh 2Cảnh sát Mexico chặn người di cư Trung Mỹ tiếp cận biên giới với Mỹ

Không cho phép người nhập cư đăng ký tị nạn

Ngày 9-11, Tổng thống Mỹ đã ban hành một sắc lệnh mới về vấn đề này. Theo đó, những người vượt biên trái phép vào Mỹ qua vùng biên giới phía Nam sẽ không đủ điều kiện đăng ký tị nạn. Tuy nhiên ngay sau đó, ngày 19-11, Thẩm phán bang San Francisco John Tigar đã ra lệnh tạm thời ngăn cản các quy định trong sắc lệnh trên. Động thái này được đưa ra sau khi Liên đoàn Tự do Dân chủ Mỹ (ACLU) và tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Hiến pháp đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump vì việc ban sắc lệnh cấm người di cư trái phép được xin tị nạn ở Mỹ. 

Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Tigar phát biểu, Quốc hội Mỹ đã quy định mọi người di cư đều có thể xin tị nạn bất kể họ vào Mỹ thế nào. Do đó, kể cả Tổng thống cũng không thể lật ngược lại Luật Di cư do Quốc hội đặt ra. Phán quyết của Thẩm phán Tigar có hiệu lực ngay lập tức trên toàn nước Mỹ và sẽ kéo dài tới ngày 19-12 cho tới khi một phiên điều trần được tổ chức nhằm cân nhắc một phán quyết chính thức có hiệu lực lâu dài hơn.

Phun hơi cay ở bức tường biên giới Mexico

Ngày 25-11 vừa qua, một đoàn người di cư từ Trung Mỹ đã tập trung tại Tijuana (Mexico), khu vực biên giới giáp với Mỹ để biểu tình hòa bình. Tuy nhiên, ngay sau đó, mọi thứ trở nên hỗn loạn vì hàng trăm người trong số đó bất chấp sự phong tỏa của cảnh sát Mexico để vượt biên trái phép qua Mỹ. Trước tình hình trên, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa bức tường biên giới với Mexico đồng thời đốt hơi cay để đẩy lùi đoàn người nhập cư. Đến tối cùng ngày, bức tường biên giới đã được mở lại.

Sự việc trên xảy ra trong tình thế có khả năng những đoàn người di cư trái phép khác tiếp tục kéo tới đây và gây ra những vụ hỗn loạn tương tự như vậy. Việc chính phủ Mỹ sử dụng hơi cay như trên cũng gây ra không ít tranh cãi, bởi trong số những người tị nạn trên, nhiều trẻ em không may mắn đã hít phải khí gas gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Phóng viên các Hãng tin Reuters, CNN… có mặt tại hiện trường đã ghi lại cảnh tượng hỗn loạn và thương tâm lúc ấy.

Dù vậy, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn không khoan nhượng và tiếp tục sử dụng chính sách cứng rắn của mình để giải quyết triệt để nạn nhập cư trái phép vào Mỹ. Ông yêu cầu Mexico và các quốc gia Trung Mỹ khác cần có biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư kéo tới khu vực bức tường biên giới. Đồng thời, Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng đe dọa sẽ đóng cửa biên giới với Mexico trong thời gian dài nếu như tình hình trên không được cải thiện. 

Hiện Mỹ đang bàn với Mexico kế hoạch giữ người di cư ở lại Mexico trong thời gian Mỹ xem xét đơn xin tị nạn của họ. Thông thường, thời gian chờ xét duyệt đơn tị nạn cho người được phép trú lại trên đất Mỹ mất 2 năm. Bài toán xử lý hàng nghìn người di cư đang tiếp cận biên giới Mỹ chắc chắn sẽ nan giải và cần thời gian để tìm ra lời giải.