Quan chức Mỹ: NATO tăng quân nhưng sẽ bị Nga vượt mặt trong chưa đầy 3 ngày

ANTĐ - Mặc cho nỗ lực triển khai quân sự rầm rộ của NATO ở Đông Âu – với quy mô lớn nhất kể từ sau Thế chiến II – các quan chức Mỹ vẫn cảnh báo rằng, trong trường hợp có một cuộc xâm lược thì lực lượng liên quân này có thể bị Nga “phủ đầu” trong chưa đầy 3 ngày.

Kế hoạch triển khai quân NATO đang diễn ra dọc biên giới của Nga đã phải nhận nhiều ý kiến chỉ trích rằng đó là sự khiêu khích không cần thiết và đe dọa sự ổn định trong khu vực.

Giáo sư Stephen F. Cohen bày tỏ: “Chưa bao giờ có sự triển khai quân đối thủ đông đảo như vậy trên khu vực biên giới giữa Nga với các nước phương Tây kể từ tháng 6-1941. Khi đó, trùm phát xít Hitler đã xâm lược Liên Xô, nên giờ người Nga cũng đang có quan điểm phản ứng tương tự với kế hoạch của NATO”.

Kế hoạch triển khai quân rầm rộ của NATO đang mang tới nhiều ý kiến trái chiều

Chia sẻ một quan điểm khác, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nga, Ukraine – ông Michael Carpenter – cho rằng nỗ lực nói trên vẫn là chưa đủ.

Trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ diễn ra đầu tuần, Thượng nghị sỹ Cory Gardner đã hỏi ông Carpenter về thông tin lo ngại các lực lượng Nga có thể vượt qua liên quan NATO trong vòng chỉ 60 giờ đồng hồ,

Đáp lại, ông Carpenter xác nhận những nỗ lực xây dựng lực lượng gần đầy của NATO đã không xoa dịu được những lo ngại đó. Và vấn đề chỉ được giải quyết khi tổ chức này gây dựng quỹ tài chính mạnh hơn, để củng cố cho lực lượng của họ.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã bày tỏ quan điểm cần phải tìm cách mở rộng kho tiền chi cho liên minh quân sự.

“Căng thẳng đang tăng lên, chúng ta đang sống trong một thế giới nguy hiểm hơn. Chúng ta thấy một nước Nga quyết đoán hơn ở phía đông, và tình trạng hỗn loạn, bạo lực ở phía nam. Bởi vậy, cần thiết phải tăng chi phí dành cho các hoạt động của NATO tương ứng với mức độ căng thẳng tăng cao”, ông Stoltenberg bày tỏ.

Từ quan điểm trên, NATO đã liên tục kêu gọi các thành viên của mình chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng.

Trong thời gian qua, NATO đã tích cực tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Âu, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Âu, kể từ sau cuộc xung đột ở Ukraine. Theo NATO, sự can thiệp quân sự “ngầm” của Nga vào Ukraine là nguyên do khiến họ triển khai quân như vậy. Trong khi đó, Moscow vẫn một mực bác bỏ mọi cáo buộc, và cho rằng kế hoạch dàn quân của NATO dọc biên giới Nga là hành động gây bất ổn không cần thiết.