Quái dị hủ tục xua đuổi phụ nữ trong "những ngày ô uế"

ANTĐ - Ít ai biết được rằng, dù đã bước sang thế kỷ 21 nhưng tại một số vùng ở Nepal vẫn diễn ra các hủ tục “đặc biệt”, trong đó bao gồm Chaupadi – tục xua đuổi những người phụ nữ khi tới kỳ kinh nguyệt.

Hàng tháng, những người phụ nữ Nepal lại có những ngày trở nên vô cùng cô độc 

Cứ bốn ngày trong một tháng, những người phụ nữ ở Achham, Nepal phải rời khỏi nhà và sống trong nhà kho nhỏ bởi theo quan niệm của họ, người phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt bị coi là ô uế. Điều này sẽ khiến các vị thần trở nên tức giận và làm tổn hại tới những người đàn ông trong gia đình, cây cối sẽ bị héo và chết, những con bò sẽ ngừng cho sữa.

Jaukala (14 tuổi) phải sống trong nhà kho tạm bợ trong kỳ kinh nguyệt



Tục lệ Chaupadi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và mê tín dị đoan. Theo đó, những phụ nữ đã kết hôn sẽ phải ra khỏi nhà, sống trong nhà kho hoặc chuồng bò trong 4 ngày, thiếu nữ chưa kết hôn thì 7 ngày. Không dừng lại ở đó, phụ nữ sau khi sinh con cũng bị cho là ô uế và phải sống cách ly với những điều kiện tương tự. Quá yếu và mất sức sau cơn “vượt cạn”, cộng thêm đó là không có sự chăm sóc của gia đình, nhiều sản phụ đã tử vong thương tâm.

Họ đôi khi phải sống chung trong chuồng dê

Trong suốt thời gian bị cách ly này, những người phụ nữ không được phép sử dụng chung nguồn nước sạch hay chạm vào các vật dụng, đồ dùng trong nhà. Không được vệ sinh sạch sẽ, mùi hôi sẽ thu hút rắn, côn trùng và các loài động vật hoang dã khiến cuộc sống của họ bị đe dọa. Hơn nữa họ cũng rất dễ bị hãm hiếp do sống ở một nơi hoàn toàn cách biệt.

Cuộc sống cách ly khiến họ gặp rất nhiều nguy hiểm

Gia đình nào nghèo không có nhà kho hay chuồng bò thì sẽ phải sống chung với những người phụ nữ khác. Có chuồng bò lên tới 15 người cùng chung sống trong điều kiện thiếu nước, mất vệ sinh khiến nhiều người mắc các bệnh về truyền nhiễm, hô hấp.

Họ phải đi rất xa để lấy nước do không được sử dụng chung nguồn nước với dân làng

Thiếu nước và các vật dụng cần thiết khiến nhiều người bị mắc bệnh

Mathura Kami (41 tuổi) lần đầu tiên bị đưa tới nhà kho sống khi cô 11 tuổi nhớ lại: “Tôi đã rất sợ hãi và không biết những gì đang xảy ra. Tôi đã phải rời đi trong vài ngày mà không hề có chút thức ăn nào. Họ không hề quan tâm tới tôi. Hiện tại tôi có con gái và tôi sẽ không để con mình phải chịu điều đó. Cô bé sẽ được sống trong một căn phòng nhỏ ngay sát nhà của mình”.

Một nhóm phụ nữ và trẻ em đang trò chuyện trước khi đi ngủ

Sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt, những người phụ nữ phải tắm bằng nước tiểu bò. Những người dân Nepal tin rằng, chỉ có nước tiểu bò mới đủ sự tinh khiết, sạch sẽ dể gột bỏ sự ô uế này mà thôi.

Sống cách ly trong điều kiện khắc nghiệt, nhiều đứa trẻ đã tử vong

Những người phụ nữ dám phá bỏ truyền thống sẽ phải đối mặt với sự phản ứng, tẩy chay vô cùng dữ dội của cả làng. Không được giáo dục, không có cơ hội giao lưu học hỏi, những người nơi đây đắm mình trong những tục lệ và giống như cây rễ đã ăn sâu vào nhiều thế hệ, tục lệ xua đuổi phụ nữ khi tới kỳ kinh nguyệt khó mà thay đổi được trong một thời gian ngắn.

Nabina (17 tuổi) cùng Khadi (14 tuổi) đang co ro sưởi ấm bên ngọn lửa

Lalita (14 tuổi) phải sống cách ly gia đình trong chuồng bò

Radha Nepali Pariyar là một bà mẹ độc thân. Sau khi bị chồng bỏ rơi, cô quyết định cùng con trai trở về nhà cha mẹ đẻ sống sau một ngày đi phá đá và làm việc ngoài đồng. Sống tại nhà mình, Radha cảm thấy tốt hơn rất nhiều, bởi cha cô làm bảo vệ ở ngân hàng và có thu nhập ổn định. Ông đã xây riêng một nhà kho cho cô với những vật dụng cần thiết.

Tuy nhiên, khi cha cô đề nghị hãy vào sống cùng một nhà với ông, Radha đã từ chối: “Cha tôi không tin vào tục Chaupadi nữa, nhưng tôi không thể. Nếu tôi chạm vào một cái gì đó và điều gì xấu sẽ xảy ra thì sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Tôi sẽ không mạo hiểm”.

Nhóm phụ nữ tụ tập xung quanh Radha đều gật đầu đồng ý và vòng luẩn quẩn này còn tiếp tục...