Quà Trung thu

ANTĐ - Sắp đến Trung thu rồi. Ra đường thấy la liệt những cửa hàng bán bánh kẹo, đồ chơi dành cho đêm phá cỗ trông trăng sắp tới, tôi bỗng lại nhớ gần 50 năm trước, có một lần chúng tôi được nhận một món quà trung thu đặc biệt mà chắc lũ trẻ bây giờ không thể nghĩ ra và đương nhiên cũng chẳng háo hức đón nhận như chúng tôi hồi ấy… 

Khoảng 1956-1957, cả nhà tôi tá túc trong cái ngõ hẻm 55 nằm gần ngã tư Hai Bà Trưng-Phan Bội Châu. Mọi người sống chui rúc dưới gầm một cái cầu thang bằng gỗ ọp ẹp, anh tôi phải dùng những tờ báo cũ dán kín những khe hở toác hoác trên những mảnh ván gỗ, để ngăn bớt bụi rơi xuống “nhà”. Còn ngay dưới nền nhà là một cái miệng cống hôi hám, đầy chuột bọ và dán. Bố tôi và anh trai kề tôi là thợ giầy trong hợp tác xã Quyết Tiến. Mẹ tôi làm cấp dưỡng cho chính hợp tác xã này. Nói chung, cuộc sống của chúng tôi hồi ấy thật nhọc nhằn và thiếu thốn đủ thứ. 

Trung thu năm ấy, bà ngoại tôi đã ngoài sáu mươi, tóc bạc hết, sống với cậu tôi (cũng là thợ giầy). Có lẽ do buồn phiền và tù túng, bà ngoại tôi ngày càng hay uống rượu. Nhà nghèo, bà tôi cùng  lũ cháu nội, ngoại của mình ngồi gõ đinh dưới cái vòm cổng đúc bằng xi-măng đã lở loét, lòi cả những khung sắt đen đúa ra ngoài, thì ai dám mơ sẽ có quà trung thu? Tôi xin chú giải  về cái vụ “gõ đinh”: Sau khi đóng ghim "mũ da" vào những chiếc khuôn gỗ (phom), bằng đinh guốc, người ta khâu tay, dán crếp và cuối cùng, nhổ những chiếc đinh ra. Đinh nhổ ra bị cong queo, để tiết kiệm, phải dùng búa gõ chúng cho thẳng và dùng lại. Công gõ đinh thật rẻ mạt: 2 hào một lạng!

Bà ngoại tôi mắt mũi kèm nhèm vì bệnh mắt hột, tay chân lẩy bẩy, miệng sặc hơi rượu, vẫn phải gõ đinh kiếm thêm chút tiền phụ với cậu mợ tôi nuôi bọn nhóc. Bà vừa gõ đinh vừa kể cho lũ cháu nghe đủ thứ  chuyện nhà quê, có lẽ đó là những giây phút vui vẻ hào hứng hiếm hoi của bà cháu tôi. Ham kể chuyện, lại say rượu, lắm lúc bà tôi gõ  búa nhầm vào ngón tay làm bật cả máu ra. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được những chiếc đinh dính máu ấy và món quà trung thu mà bà ngoại cho chúng tôi ngày ấy…

Quê  ngoại tôi vốn ở dưới đồng bể Nam Định. Năm ấy đê vỡ, nước bể dâng, lụt lội, đói kém khiến cả làng bà tôi chạy dạt lên phủ Xuân Trường kiếm sống. Dân xiêu tán lại ngụ cư trên đất mới, đói khát, thiếu ăn, rách mặc. Nhưng cái gay go nhất là phải lo xây đình. Một ngôi làng miền Bắc mà không có đình thì không thành làng. Dân làng bà tôi cơm chả có mà ăn, áo chả có mà mặc, đào đâu ra tiền của sắm gỗ, đá, thuê thợ xây đình? Cuối cùng, cả làng họp lại nghĩ ra một cách... để có đình.

Nguyên làng bên cạnh làng bà tôi là một làng khá giả, nhiều gia đình thuộc loại "thế gia vọng tộc", dư giả tiền nong, sức lực. Họ xây một ngôi đình cũng dễ như xây một cái nhà vậy. Đêm ấy, ngôi đình làng bên đang xây dở dang, vôi vữa (thời đó chưa có xi-măng, người ta dùng mật trộn với vôi và rơm để kết dính những viên gạch), chưa kịp khô, cả làng bà ngoại tôi xông sang, gỡ hết gạch mang về "xây" trên đất làng mình.

Trước lúc mặt trời mọc, trên mảnh đất ngụ cư  khốn khổ đã mọc lên một ngôi đình nham nhở, không có cả rui mè và nóc… Làng bên đi kiện, làng bà ngoại tôi cãi chày cãi cối. Cuối cùng quan phủ thương hại, đứng ra dàn hòa. Làng bên hậm hực một tý rồi cũng để yên cho làng bà ngoại tôi sở hữu “cái đình ăn trộm”. 

Làng bà ngoại tôi mừng rỡ, gom góp rơm rạ lợp mái cho đình.

Đang say sưa kể chuyện, tay vẫn gõ đinh, chợt có tiếng trống ếch, tiếng lũ trẻ con nhà giàu trong ngõ hăm hở đón trung thu với quần áo mới, đồ chơi và bánh trái ê  hề, bà ngoại tôi giật mình, gõ búa đúng vào ngón tay tóe máu. Bà tôi đưa ngón tay bị thương vào miệng mút máu, thì thầm:

- Trẻ con đón Trung thu mà không có bánh nướng, đầu sư tử thì buồn lắm. Nhưng một cái làng mà  không có đình thì sống làm sao được? Đó là chốn vừa linh thiêng vừa thân mật. Hàng năm, những lễ trọng nhất đều diễn ra ở đình. Các Đấng Bề trên dù là thần thánh cũng phải có chỗ nương náu, đụt mưa tránh nắng. Thu  về, không có đình và sân đình trẻ con biết phá cỗ trông giăng ở đâu?  

Lũ nhóc chúng tôi ớ cả người. Tiếng là sống giữa thị thành đô hội, những đứa bé nghèo khổ, thất học, mấy khi được đi xem xi-nê, văn nghệ, đọc sách nói gì đến múa hát, tham dự những trò chơi dành cho trẻ em? Niềm vui duy nhất của chúng chỉ là khi nhận được tiền gõ đinh, bố mẹ chúng “nghiến răng” cho chúng năm xu mua bánh rán mật do một bà già bưng thúng đi bán rong... Và mỗi độ Trung thu, chúng chỉ biết ngửa cổ nhìn lên  những vòm trời thu xanh biếc, thèm khát nhìn những đứa trẻ con nhà giàu hớn hở  múa sư tử, tưng bừng phá cỗ... Ôi, quà Trung thu trở thành giấc mơ xa vời của chúng. Chúng trở thành “những đứa trẻ mồ côi giấc mơ quà Trung thu”..., chúng còn bụng dạ đâu mà nghĩ đến việc “Cái đình” có ý nghĩa thế nào!

Bà ngoại tôi nói tiếp trong tiếng nấc nghẹn: 

- Các cháu nhớn lên, cố làm ăn khấm khá, kiếm được tiền nuôi gia đình và sắm được quà trung thu cho con cho cháu… Nhưng chuyện hệ trọng hơn là xây lấy một cái đình cho làng ta, để có chỗ cho con cháu các cháu về quê đón Trung thu, mà không bao giờ phải đi ăn cắp đình nữa!

Hà Nội, Trung thu 2012