Quà tặng thầy

ANTĐ - Năm 1956, tôi được điều về dạy học ở một trường huyện. Tôi nhớ hôm đó là 24 Tết âm lịch, có mấy bác nông dân đến gặp tôi. Tôi còn đang ngỡ ngàng thì một bác giới thiệu là phụ huynh của học sinh lớp tôi chủ nhiệm, rồi trịnh trọng nói:

 “Thưa thầy, sắp Tết đến, chúng tôi lên đây để chúc thầy bước vào một năm mới tốt đẹp; đáng lẽ ra, chúng tôi phải lên tận trên quê thầy để chúc Tết gia đình, nhưng vừa cận Tết mà việc cấy hái chưa xong, nên, đành phải tranh thủ gặp thầy ở trường, và có một chút quà “cây nhà lá vườn” mang lên biếu gia đình và thầy, mong thầy thông cảm”. Sau đó, họ ngồi nói chuyện với tôi về việc cày cấy, việc làng quê chuẩn bị Tết. Họ không nhắc gì về chuyện học hành, họ cũng chẳng nói là phụ huynh của cháu nào.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi và cũng là năm đầu tiên của người thầy, được phụ huynh biếu quà Tết. Tôi nhìn chiếc bị cói có một quả bưởi, mấy quả cam, một ít khoai tây, một bịch lạc đã bóc vỏ. Thật đúng là món quà chân quê. Vừa hay lúc bà chủ nhà đi về (thuở ấy, chúng tôi ở nhờ nhà dân). Tôi hai tay đưa bị quà cho bà và nói: “Tôi đang lo không có quà gì để mừng Tết hai ông bà, may quá có món quà phụ huynh họ biếu, xin được biếu lại”.

Bà chủ giãy nảy lên: “Chết, chết!. Chúng tôi đâu dám, chỉ có thầy mới xứng đáng với món quà tri ân của phụ huynh, chứ vợ chồng tôi nhận để thiên hạ người ta chê cười cho”. Cũng từ đấy cho đến khi tôi về hưu, năm nào tôi cũng nhận được một món quà Tết, khi thì mấy chục chiếc bánh gai, khi thì một hai chiếc bánh chưng với chai rượu nếp cẩm. Họ, những người mang quà đến, họ cũng chẳng yêu cầu tôi quan tâm đến riêng con mình. Còn tôi nhận tấm chân tình của họ cũng chỉ biết mang hết tâm huyết dạy cho tất cả các em, những học sinh thân yêu của tôi. Và lúc này đây, khi tôi đang ngồi viết bài thì nhận được điện thoại của một số học sinh đã gần bảy mươi tuổi hẹn đến để chúc mừng thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi lại xúc động rưng rưng…